Nâng cao năng suất lao động: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân
24/06/2016 15:57:53
ANTT.VN - Khát vọng của Việt Nam từ nay đến năm 2035 là trở thành nước thu nhập trung bình cao, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6%. Để đạt được các mục tiêu về thu nhập vào năm 2035, một trong những yếu tố cần quan tâm hàng đầu là thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân.

Tin liên quan

Một số diễn giả, khách mời tại hội thảo

Tại hội thảo “Áp dụng các mô hình quản lý tăng năng suất lao động trong doanh nghiệp” diễn ra sáng nay, 24/06 tại Hà Nội, các chuyên gia cùng với đại diện đến từ các doanh nghiệp đã đưa ra bàn thảo vấn đề còn tồn tại nhiều năm nay tại Việt Nam – năng suất lao động (NSLĐ) tăng nhưng tốc độ tăng khá chậm so với các nước trong và ngoài khu vực.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, NSLĐ Việt Nam giai đoạn 2006 – 2015 tăng trưởng tương đối chậm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2006 – 2010 chỉ đạt 3,45% và từ 2011 – 2015 là 4,33%. Riêng trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 6,45%.

Nghiên cứu cho thấy, NSLĐ của Việt Nam năm sau luôn cao hơn năm trước, gần đây đã rút ngắn khoảng cách khá xa đối với một số nước. Cụ thể, năm 1990, so với Việt Nam, NSLĐ Singapore gấp 23,4 lần, Nhật Bản gấp 20,5 lần, Malaysia gấp 9,3 lần và Thái Lan gấp 4 lần thì đến năm 2013, khoảng cách chỉ còn là Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần NSLĐ của Việt Nam.

Sau đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 chưa bằng 40% mức bình quân của thế giới tính theo PPP, hay 20% tính theo giá thị trường.

Trong giai đoạn 2000 – 2013, tăng trưởng NSLĐ Việt Nam trong các ngành: Khai mỏ, Chế tạo, Công ích, Xây dựng, Tài chính sụt giảm, thậm chí có những ngành có mức tăng trưởng âm so với giai đoạn trước đó dẫn đến năng suất chung giảm.

Khát vọng của Việt Nam từ nay đến năm 2035 là trở thành nước thu nhập trung bình cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6% (hoặc khoảng 5% bình quân đầu người), kịch bản này đòi hỏi tăng trưởng NSLĐ trung bình hàng năm đạt 5,6%. Trong giai đoạn 2013 – 2035, tăng trưởng NSLĐ phải đóng góp 92%  vào tăng trưởng GDP.

Các chuyên gia cho biết, một trong những nguyên nhân khiến năng suất chung của cả nền kinh tế thấp là do đầu tư của Nhà nước kém hiệu quả. Khu vực công chiếm 1/3 GDP, có vai trò đáng kể trong các lĩnh vực sản xuất và kiểm soát thị trường các yếu tố sản xuất, mà đầu tư công nói chung và phần lớn DNNN không hiệu quả.  

Nhưng tăng trưởng năng suất ở Việt Nam suy giảm là do năng suất của khu vực tư nhân trong nước bị giảm sút mạnh, khiến cho khu vực này cũng kém hiệu quả như khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân trong nước lại thường rất nhỏ, do vậy, khó có thể tăng năng suất bằng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo, là những nhân tố đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Doanh nghiệp tư nhân không chỉ ít về số lượng mà thường kém hiệu quả hơn cả các doanh nghiệp nhỏ, họ thường tập trung vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản mà đây lại là các lĩnh vực có mức tăng trưởng năng suất thuộc loại thấp nhất ở Việt Nam.

Để phát triển và nâng cao NSLĐ, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điều kiện tiên quyết để Việt Nam đạt được các mục tiêu về thu nhập vào năm 2035 là khôi phục tăng trưởng năng suất.

Theo bà, trước mắt, cần thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân. Cụ thể, tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng suất của khu vực tư nhân trong nước; cải cách toàn diện khu vực DNNN; tăng cường nền tảng kinh tế vi mô để phát triển khu vực tư nhân; hiện đại hóa và thương mại hóa khu vực nông nghiệp; tận dụng cơ hội ngoại thương để tăng trưởng.

Quách Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến