Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Không phải ngẫu nhiên, gần đây người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc đến việc cần thực hiện các giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Thực tế theo giới chuyên gia, việc nâng hạng thị trường đồng nghĩa với việc nâng chất để đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Từ đó, thu hút thêm lượng lớn vốn ngoại, giúp chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh, minh bạch và bền vững.
Quyết liệt nâng hạng thị trường
Gần đây, vấn đề thanh lọc thị trường, nâng cao năng lực hệ thống giao dịch được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Điều này cho thấy, Việt Nam đang quyết tâm nâng chất cho thị trường chứng khoán.
Việc nâng cao chất lượng thị trường nhằm bảo vệ nhà đầu tư, mở ra cơ hội cho chứng khoán Việt Nam nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm đến vấn đề phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán; trong đó, có vấn đề nâng hạng thị trường.
Trong khuôn khổ chuyến công du quan trọng tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Mỹ, Liên Hợp Quốc, chiều 16/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới tham quan Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) - sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn NYSE quan tâm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đồng thời, hướng đến quan hệ đối tác bền vững, đôi bên cùng có lợi giữa NYSE và các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng thực chất, hiệu quả.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ; trong đó, có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số; khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, động thái thanh lọc thị trường là nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ Chính phủ.
Bởi, mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch và bền vững. Vì vậy, thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính; tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần hỗ trợ quá trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Còn theo ông Phạm Lưu Hưng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI (SSI), hàng loạt động thái thanh lọc thị trường trong thời gian qua mang đến kỳ vọng quá trình nâng hạng dễ hơn. Ông Hưng rất hy vọng trong bản đánh giá của Tổ chức xếp hạng thị trường (MSCI) đợt tới, tổ chức này sẽ ghi vài ý tích cực những việc Việt Nam đã làm được.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra là vào năm 2025.
Nâng hạng sẽ thu hút thêm hàng chục tỷ USD
Giới phân tích cho rằng, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của thị trường trong thời gian tới.
Ông Zafer Mustafaoglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới Sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, phát triển thị trường vốn là một lỗ lực dài hạn và hiện vẫn còn nhiều việc phải làm ở Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút rung chuông và gõ búa kết thúc phiên giao dịch chiều 16/5/2022 (theo giờ địa phương), tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Quy mô thị trường vốn so với GDP đang tăng và cần tăng hơn nữa. Không chỉ có vậy, điều quan trọng hơn là chất lượng các thị trường của Việt Nam hiện chưa tương xứng với quy mô, với bằng chứng là Việt Nam vẫn đứng sau các quốc gia so sánh trong khu vực.
Tất cả các quốc gia khác mà Việt Nam muốn theo kịp về trình độ phát triển đều đã nằm trong nhóm thị trường mới nổi hoặc cao hơn, trong khi Việt Nam vẫn trong nhóm thị trường cận biên. Cùng đó, thị trường cổ phiếu của Việt Nam chiếm trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI.
“Việt Nam giống như võ sỹ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ,” ông Zafer Mustafaoglu bày tỏ.
Theo ông Zafer Mustafaoglu, mục tiêu được nâng cấp thành thị trường mới nổi đã được đưa vào nghị trình của Chính phủ. Nâng cấp thành thị trường mới nổi không chỉ là cải thiện về địa vị mà còn là tín hiệu cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng với nền tảng thị trường vững chắc và hành vi trên thị trường.
Nâng cấp thành thị trường mới nổi cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam. Trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam; riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ USD.
“Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn với các nhà đầu tư gián tiếp quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn; hạ tầng cũng phải hiệu quả, thân thiện với các nhà đầu tư, cả trong nước và quốc tế," ông Zafer Mustafaoglu nói.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đủ điều kiện nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi do chúng ta còn thiếu nhiều yếu tố.
Theo ông Ngọc, những yếu tố còn thiếu là chưa có một sở giao dịch; thiếu một trung tâm thanh toán độc lập và còn nhiều rào cản với nhà đầu tư nước ngoài; chưa thống nhất các quy chuẩn về công nghệ, luật chơi. Nếu sớm khắc phục những yếu tố còn thiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam mới được công nhận là thị trường mới nổi và qua đó sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư AFA Capital, các tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tập trung vào hai yếu tố chính: quy mô và thanh khoản của thị trường (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính).
Về quy mô và thanh khoản, có bốn tiêu chuẩn gồm: số lượng công ty được nằm trong Standard Index, tổng vốn hóa thị trường, vốn hóa thả nổi và thanh khoản thị trường được tính bằng tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm thì Việt Nam gần như đã đáp ứng được ba tiêu chuẩn.
Đây cũng được coi là điều kiện cần và đủ để Việt Nam đảm bảo các tiêu chuẩn về định lượng. Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính. Trong kỳ xếp hạng mới nhất vào tháng 6/2021, có chín tiêu chí mà Việt Nam vẫn chưa đạt.
Các tiêu chí không đạt như: tỷ lệ sở hữu, hạn chế về sở hữu và quyền bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài; sự dễ dàng luân chuyển vốn vào ra và mức độ tự do của thị trường ngoại hối; hệ thống lưu ký và thanh toán vẫn còn hiện tượng nghẽn lệnh, cũng như phải có những công cụ thấu chi, ứng trước tiền để giao dịch; khả năng chuyển đổi khi có những giao dịch không qua sàn và thanh toán bằng hiện vật phải có sự phê duyệt trước của Ủy ban Chứng khoán.
Theo quy trình, bên cạnh việc xem xét các tiêu chí, MSCI sẽ cần có đánh giá dựa trên khảo sát của các nhà đầu tư quốc tế về thị trường. Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho biết, hiện nay xếp hạng thị trường chúng ta mong muốn và tập trung nhiều nhất đó chính là từ MSCI.
Nếu thị trường chứng khoán của một quốc gia được rơi vào một trong những nhóm xếp hạng của MSCI ở các cấp độ khác nhau thì các dòng vốn được phân bổ vào rất là khác nhau.
Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Hiện có khoảng 70 thị trường chứng khoán được MSCI xếp hạng; trong đó, có 24 thị trường chứng khoán nằm trong nhóm thị trường cận biên; 23 thị trường thuộc thị trường mới nổi và 23 thị trường thuộc nhóm thị trường phát triển.
Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dòng tiền. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán phụ thuộc nhiều vào câu chuyện tiền vào hay ra.
"Cần xây dựng thị trường thực chất hơn. Điều này mang lại lợi ích to lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam và tất cả thành viên tham gia thị trường chứng khoán được hưởng lợi. Thị trường tăng trưởng phải về chất, giá trị doanh nghiệp tăng và “hứng’ được dòng tiền lớn từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Đó mới là mục đích lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam," ông Long nêu quan điểm./.
Tác giả: Văn Giáp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy