Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc phiên họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO chiều tối ngày 15/6 tại Brussels, Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết các nước NATO đã thống nhất sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả các loại vũ khí hạng nặng lẫn các hệ thống tấn công tầm xa, và gói viện trợ cụ thể sẽ được thông báo khi các nước NATO nhóm họp Thượng đỉnh vào cuối tháng này tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.
“Tôi hy vọng rằng tại cuộc họp Thượng đỉnh NATO sắp tới, các nước đồng minh trong khối sẽ thống nhất được một gói viện trợ toàn diện cho Ukraine, giúp Ukraine chuyển đổi về mặt lâu dài từ kho vũ khí thời Xô Viết sang các trang bị quân sự hiện đại của NATO cũng như gia tăng tính tác chiến tương thích với NATO” - Tổng thư ký NATO nói.
Trong khi NATO chưa công bố cụ thể các loại vũ khí sẽ viện trợ cho Ukraine thì trong chiều 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ thêm cho Ukraine một gói thiết bị quân sự tiếp theo trị giá 1 tỷ USD, trong đó bao gồm nhiều loại pháo tầm trung cũng như tên lửa chống hạm. Hiện tại, Mỹ vẫn là nước đang viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine.
Hệ thống pháo Himars của Mỹ viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: KT)
Tuy nhiên, trước khi cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra tại Brussels, các quan chức trong chính quyền Ukraine đã nhiều lần lên tiếng cho rằng hiện nay phương Tây mới chỉ cung cấp được 10% số lượng và chủng loại vũ khí mà nước này yêu cầu. Phía Ukraine cũng chỉ trích mạnh các nước châu Âu khi cho biết rất nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, mặc dù đã hứa hẹn cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng đến nay vẫn chưa chuyển giao.
Các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá, hiện tại các nước phương Tây đang ngày càng khó đáp ứng yêu cầu từ phía Ukraine do nguồn vũ khí dự trữ tại các nước đều đã sắp cạn kiệt. Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cũng thừa nhận, các nước NATO cần phải có thêm thời gian mới có thể đáp ứng các đòi hỏi từ Ukraine. Trong khi đó, về mặt chính trị, cuộc chiến tại Ukraine hiện đang bắt đầu gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các nước châu Âu.
Theo một cuộc khảo sát được Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR) tiến hành mới đây với gần 10 ngàn người tại 9 quốc gia châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, hiện số người dân châu Âu lo lắng vì giá cả leo thang, kinh tế khó khăn đã nhiều hơn số người muốn châu Âu giúp đỡ Ukraine đến cùng trong cuộc chiến với Nga.
Nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng đến một lúc nào đó Ukraine sẽ phải đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc chiến chứ không thể kéo dài mãi. Ông Macron hiện đang có chuyến thăm đến Romania và Moldova nhằm trấn an các nước này trước các biến động gây ra bởi cuộc chiến tại Ukraine./.
Tác giả: Quang Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy