Dòng sự kiện:
Này thế giới, đừng quên Ukraine!
26/11/2015 20:01:47
ANTT.VN – Ngay cả khi Tổng thống Nga Putin muốn kết thúc cuộc khủng hoảng Ukraine để thắt chặt hợp tác với phương Tây trong cuộc chiến chống lại Quốc gia Hồi giáo tự xưng (IS), thì người Kiev có thể lại sẽ không muốn như vậy…

Tin liên quan

Phần lớn Crimea đã bị cắt điện kể từ hôm 21/11. Ảnh: The Moscow Times

Đêm 21/11, hai trụ điện cao thế ở Kherson, Ukraine bị nổ tung, toàn bộ điện sử dụng ở Crimea bị ngắt ngay lập tức. Trong bóng tối lạnh giá mùa đông, hai triệu dân Crimea chỉ nghe thấy tiếng thông báo trên loa phát thanh: Hãy bình tĩnh, các nhà chức trách đang cố gắng hết sức để khắc phục tình hình.

Tuy nhiên cho tới đầu tuần này, phần lớn dân cư của bán đảo này vẫn không có điện sinh hoạt. Bệnh viện, trại đồn trú quân đội và cơ quan chính phủ chỉ hoạt động dựa trên nguồn năng lượng dự phòng khẩn cấp.

Không có nhiều sự lựa chọn cho giới chức Nga tại Crimea trong thời điểm này, ngoại trừ việc chờ đợi phía Ukraine sửa chữa và nối lại đường dây, mà thời gian nhanh hay chậm thì chắc hẳn còn “tùy hứng” Kiev.

Tháng Chín năm ngoái, khi mà cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa quân đội Kiev và phe li khai – vốn được cho là do Nga hậu thuẫn – đang diễn ra dữ dội nhất, thì Quốc hội Ukraine lại tuyên bố thành lập đặc khu kinh tế Crimea, qua đó cho phép hàng hóa từ đất liền được tự do trao đổi với bán đảo này.

Bốn tháng sau, Kiev chấp thuận hợp tác với RAO – một tập đoàn sản xuất năng lượng lớn ở Nga, nhằm cung cấp điện cho Crimea cũng như một phần lớn Ukaine bởi quốc gia này vào thời điểm đó không thể sản xuất đủ năng lượng cần dùng, đồng thời phải nhập khẩu một lượng lớn than từ Nga để vận hành các nhà máy điện trong nước.

Đây chỉ là một dấu hiệu nhỏ trong mối quan hệ phức tạp giữa hai cựu thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong Liên bang Xô Viết (cũ). Chính quyền Kiev từ lâu đã thề sẽ tách hẳn khỏi ảnh hưởng từ Nga, hướng dần sang phương Tây. Tuy nhiên mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy.

Phụ thuộc lẫn nhau

Mặc dù khối lượng xuất khẩu hàng hóa từ Ukraine sang Nga đã giảm tới 2/3 kể từ đầu năm, tuy nhiên số còn lại cũng đã lớn hơn tổng kim ngạch xuất khẩu sang Ba Lan, Đức và Pháp cộng lại. Điện Kremli vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine cả về xuất khẩu và nhập khẩu.

Đây quả thực là một sự thật không hề dễ chịu đối với nhà cầm quyền Ukraine, những người đã lật đổ cựu tổng thống Yanukovych hồi đầu năm ngoái.

Binh sĩ Ukraine tại miền đông nước này. Ảnh: AP

Ngày 20/9, phong trào Tatar ở Crimea và nhóm dân tộc cực đoan Right Sector đã bắt đầu các hoạt động phản đối trao đổi thương mại với cả Crimea lẫn Nga, cáo buộc rằng 80% thực phẩm được đưa tới Crimea cuối cùng sẽ đi vào lãnh thổ Nga và được bán giới giá cao hơn nhiều.

“Chúng ta không thể tiếp tay cho bọn kẻ cướp, những kẻ đã đối xử không công bằng với đồng bào ta tại Crimea”, Mustafa Jemilev, một nhà hoạt động Tatar vốn bị cấm nhập cảnh vào Nga, nói trong một cuộc họp báo.

Để thực hiện mục tiêu trên, những người theo tư tưởng cực hữu này đã thành lập một loạt điểm canh giữ trên những tuyến đường dẫn tới Crimea, dừng tất cả xe tải chở hàng tới đây. Lẽ dĩ nhiên là Kiev có thể giải tán những chốt canh này, tuy nhiên họ lại không làm vậy.

Jemilev và Refat Chubarov – một lãnh đạo Tatar khác – đều là những thành viên nghị viện được bầu lên trong bộ máy của Tổng thống Petro Poroshenko. Trong một cuộc họp gần đây với Jemilev và Chubarov, Poroshenko đã hứa rằng sẽ sớm hủy bỏ việc coi Crimea như một đặc khu kinh tế tự do, xa hơn nữa là chấm dứt hoàn toàn trao đổi thương mại với Nga.

Trên thực tế, việc phong tỏa thương mại với Nga chỉ khiến những công ty Ukraine gặp thêm nhiều khó khăn hơn đối tác của họ ở Crimea hay ở Nga, khi mà hàng hóa ở Crimea hoàn toàn có thể được thay thế bởi thương lái từ Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, những người mang tư tưởng bài Nga này còn nắm trong tay một thứ vũ khí lợi hại khác: Ngày 13/11, giới chức Kiev tuyên bố nước này sẽ không cần điện từ Nga nữa bởi một số nhà máy điện hạt nhân mới đã bắt đầu được đưa vào sử dụng. Và hơn một tuần sau, hai cột điện cao thế dẫn điện sang Crimea bị nổ tung!

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Vladimir Demchishin thông báo hôm thứ Hai rằng điện có thể được nối lại trong vòng 72 giờ, tuy nhiên chỉ với điều kiện công nhân sửa chữa phải có sự bảo vệ từ phía cảnh sát trong khu vực.

Đây rõ ràng là một tuyên bố nước đôi, bởi ngay sau đó, lực lượng cảnh sát quốc gia Ukraine đã tuyên bố tất cả những vấn đề liên quan tới “phần lãnh thổ đang bị chiếm đóng (Crimea)” đều phải được xử lý ở cấp độ chính phủ, theo đó, lực lượng này sẽ không can dự vào những hành động mang màu sắc chính trị.

Về phần mình, Jemilev hứa sẽ để những đội công nhân có thể an toàn sửa chữa đường dây, nhưng nhấn mạnh rằng nguồn cung năng lượng tới Crimea phải sớm dừng lại. Trong lúc đó, chẳng có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chính quyền Tổng thống Poroshenko sẽ sẵn lòng đưa Crimea trở lại cuộc sống thường ngày.

“Người Crimea phải gánh lấy hậu quả cho những gì họ đã làm năm ngoái”, nhà báo Vakhtang Kipiani viết trên Facebook, ngụ ý về việc phần lớn dân cư Crimea đồng ý sáp nhập vào Nga hồi tháng Ba năm ngoái.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang đối mặt với rất nhiều sức ép. Ảnh: Reuters

Kiev muốn gì?

Nga rõ ràng đã nhìn thấy trước nguy cơ cắt điện từ phía Kiev, và họ cũng đã bắt tay vào xây dựng một đường dây điện cao thế nối sang Crimea dưới đáy eo biển Kerch. Tuy nhiên dự án này vẫn đang bị chậm tiến độ do Moscow thiếu loại dây cáp thích hợp cũng như không có đủ chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nhiều công ty ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc ban đầu bày tỏ hứng thú với dự án trên, dù vậy sau đó đều rút lui vì lý do chính trị và chính sách cấm vận của phương Tây đối với Nga và Crimea.

Trong một diễn biến gần đây, Điện Kremli cho biết họ đủ sức thực hiện dự án này một mình. Tuy nhiên, có những chứng cứ cho thấy một số chuyên gia Trung Quốc đã và đang giúp “đồng minh phương Bắc” hoàn thiện “cây cầu năng lượng” trên.

Với bất cứ kịch bản nào đi nữa thì nguồn điện từ Nga sớm nhất cũng chỉ đến được với người dân Crimea vào cuối năm nay. Không có điện đồng nghĩa với không có nước sinh hoạt, cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn, liệu họ có chịu đựng nổi đến lúc đó? Đây thực sự là một bài toán không dễ giải đối với Moscow.

Tóm lại, bất kể khủng hoảng năng lượng lần này tại Crimea được xử lý như thế nào, thì vấn đề Ukraine chưa bao giờ bớt nóng trên bản đồ địa – chính trị thế giới, hay ít nhất là những nhà lãnh đạo Kiev không muốn như vậy. Họ sẽ luôn cần giữ mình là tâm điểm chú ý của thế giới trong cuộc chiến chống lại Nga.

Họ biết rằng Putin sẽ không muốn có thêm những hành động quân sự căng thẳng, trong bối cảnh mà người đàn ông quyền lực nhất thế giới đang tìm cách làm ấm lại mối quan hệ với phương Tây thông qua cuộc chiến chống IS.

Đây là điều Poroshenko lo ngại nhất, bởi ông ta không ít thì nhiều, sẽ mất đi sự hỗ trợ từ Mỹ cùng đồng minh, những người đã dựng ông ta lên trong một diễn biến của “Cách mạng Cam lần hai” hồi năm ngoái.

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến