Dòng sự kiện:
Nên giao Quốc hội quyết định danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn
28/05/2019 20:06:22
Vấn đề thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn là nội dung tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau của Đại biểu Quốc hội.

Sáng 28/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh sửa có 6 chương, 101 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Giải trình các nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội. Trong đó, về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn là nội dung còn ý kiến khác nhau. 

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện 2 phương án và căn cứ vào ý kiến của Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉnh lý theo đa số.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo đó, phương án 1 quy định Quốc hội quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm: tổng mức vốn, danh mục, mức vốn của các chương trình, dự án đầu tư công và mức vốn cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư thuộc ngân sách trung ương. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Quốc hội có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội  xem xét, quyết định, điều chỉnh danh mục, mức vốn của từng chương trình, dự án đầu tư công thuộc ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Phương án 2 quy định Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

Theo Đại biểu Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình), Quốc hội quy định danh mục mức vốn cho từng dự án là khả thi, nhằm đúng định hướng, không dàn trải, phù hợp với nguồn lực và đây cũng là thông lệ tại nhiều quốc gia đồng thời đảm bảo quyền thực chất của Quốc hội.

Đại biểu này cũng kiến nghị, "từ năm 2020, Chính phủ trình danh mục đầu tư Trung ương theo đúng luật định".

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) bổ sung: "Thẩm quyền xem xét quyết định danh mục đầu tư công giao cho Quốc hội hay Chính phủ, thì Chính phủ vẫn phải làm từ đầu đến cuối. Do đó, Chính phủ cần chủ động xây dựng danh mục trước thời điểm trình Quốc hội".

Đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh, vấn đề ở đây là nằm ở khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do Luật. Theo ông, nếu khối lượng công việc và dự án có nhiều thì có thể giãn tiến độ và đẩy thêm thời gian.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội), nhìn nhận việc quyết định danh mục đầu tư công trung hạn là thể hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, vì vậy nếu giao Quốc hội quyết định danh mục sẽ thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp.

Cũng theo bà Mai, việc trình Quốc hội sẽ bảo đảm tính công khai, dân chủ công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. Các Đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp tham gia ý kiến vào phương án phân bổ cho địa phương mình.

Trong khi đó, Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) lại đưa ra ý kiến trái chiều, việc Quốc hội quy định danh mục từng dự án là không khả thi, không đủ thời gian và nguồn lực để thẩm định. Quốc hội mỗi năm chỉ họp 2 kỳ, trong khi nhiều dự án phải cập nhật và có những phát sinh điều chỉnh, do đó giao quyền quyết định quyết định danh mục dự án cho Chính phủ.

Tham gia thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP HCM) cho rằng vấn đề cần mổ xẻ là đầu tư công thời gian vừa qua chậm do vướng quy định của pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu.

"Nếu do vướng về mặt pháp luật thì mổ xẻ để sửa Luật, nhưng nếu phù hợp, không cản trở gì mà khâu tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung thì phải điều chỉnh ở khâu này", bà Tâm nói.

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 6 chương, 101 điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật này thay thế cho Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến