Nền kinh tế châu Âu chao đảo vì bầu cử Tổng thống Pháp
25/04/2017 12:37:38
ANTT.VN - Với những quan điểm chính trị, kinh tế đối ngược nhau, hai ứng viên Tổng thống Pháp đang khiến cho châu Âu phải mất ngủ trong cuộc bầu cử điên rồ nhất lịch sử đất nước.

Tin liên quan

Theo kết quả sơ bộ vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23/4, ứng cử viên trung dung, thủ lĩnh phong trào “Tiến Bước” Emmanuel Macron đạt 24% và Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen đạt 21,8% dẫn đầu cuộc đua và sẽ bước vào vòng 2 của cuộc bầu cử căng thẳng này.

Bầu cử Pháp đang diễn biến kịch tính và khó lường hơn bao giờ hết

Cuộc bỏ phiếu vòng 1 đã xảy ra vô số những bất ngờ chưa hề có trong lịch sử, lần đầu tiên đại diện của hai cánh truyền thống ở Pháp không góp mặt tại vòng 2.

Đây cũng là lần đầu tiên, một ứng cử viên trung dung, không tả mà cũng chẳng hữu là Emmanuel Macron lọt vào vòng hai. Ông sẽ đối đầu với bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt Trận Dân Tộc (FN), đảng luôn đóng vai trò “gạch lót đường” trong mỗi cuộc bầu cử.

Obama xứ Gaulois

Ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, từng làm trong lĩnh vực ngân hàng trước khi trở thành trưởng cố vấn và sau đó là bộ trưởng kinh tế của chính quyền Tổng thống Francois Hollande. Ông không phải là đảng viên của bất cứ đảng nào.

Ông rời chính phủ năm ngoái và thành lập phong trào chính trị riêng của mình với tên "En Marche!" (Tiến lên) mà ông cho là "không tả cũng không hữu" cùng cam kết "cách mạng" nền chính trị Pháp "mục ruỗng và dốt nát". Nếu đắc cử, ông Macron sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.

Là cựu Bộ trưởng Kinh Tế Pháp, ông Macron hiểu được tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do đối với nền kinh tế Pháp đang trì trệ. Trong suốt thời gian tranh cử, ông Macron luôn lên tiếng ủng hộ hiệp định tự do giữa EU và Canada – CETA và phản đối việc tái thiết lập kiểm soát biên giới giữa các quốc gia thuộc liên minh.

Ông cũng là người ủng hộ Liên minh châu Âu EU, khi từng kêu gọi thành lập một quỹ ngân sách chung cho cả Eurozone. Xuyên suốt chiến dịch bầu cử, ông luôn cam kết nước Pháp sẽ đảm bảo nước Anh sẽ không được lợi quá nhiều sau Brexit và qua đó bảo vệ sự toàn vẹn cho cả EU.

Donald Trump phiên bản nữ

Trái ngược với đối thủ, bà Marine Le Pen được sinh ra trong một gia đình chính trị có uy tín lớn tại pháp. Phụ thân bà - ông Jean-Marie Le Pen, là người sáng lập đảng Mặt trận Quốc gia năm 1972.

Le Pen tham gia đảng này khi bà mới 18 tuổi. Bà lần đầu tiên được bầu vào một vị trí trong khu vực vào năm 1998, đánh dấu bước khởi đầu sự nghiệp chính trị.

Không những thế, bà cũng trái ngược luôn với ông Macron trong những chính sách kinh tế của mình. Bà xem khối đồng tiền chung châu Âu như một trong những vật cản nước Pháp khỏi phát triển mạnh mẽ. Đã từ lâu, bà đã kêu gọi nước Pháp loại bỏ việc sử dụng đồng Euro, và thậm chí, là cả rời khỏi khu vực đồng tiền chung nếu cần thiết.

Không giống với chính sách hướng ngoại của ông Macron, bà Le Pen lại muốn thiết lập những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho doanh nghiệp Pháp như quyền ưu tiên đấu thầu các dự án công. Trong số các cam kết chính sách tranh cử, bà Le Pen chủ trương áp thuế cao đối với các công ty Pháp thuê lao động nước ngoài và yêu cầu các nhà bán lẻ phải bày bán một tỷ lệ nhất định các sản phẩm sản xuất trong nước. Đặc biệt, bà Le Pen nhấn mạnh, nếu bà đắc cử, nước Pháp sẽ không chào đón các hiệp định tự do thương mại.

Với vị thế quan trọng của nước Pháp hiện nay tại châu Âu, việc ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc đua vào cung điện Elysee sẽ không chỉ quyết định tương lai khu vực đồng tiền chung EU mà còn định hình cả nền tài chính thế giới sau này.

Võ Quyền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến