Dòng sự kiện:
Nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn là “ước mơ xa vời”
16/12/2015 19:58:28
ANTT.VN – Theo Hội Thẻ ngân hàng, 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay là giao dịch tại các máy ATM, trong đó doanh số rút tiền mặt chiếm hơn 85%, doanh số chuyển khoản chiếm gần 14%, doanh số thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ hơn 1,07%.

Tin liên quan

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam VEPF 2015

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam VEPF 2015

Với mục đích thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam, thay thế thanh toán tiền mặt, diễn đàn Thanh toán điện tử (VEPF 2015) với tham gia của nhiều Bộ ngành và các tổ chức trong và ngoài nước, các đại biểu đã chỉ rõ những bất cập trong thực trạng thanh toán điện tử tại Việt Nam và kiến nghị những giải pháp phù hợp.

“Tiền trao cháo múc”

Theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64%.

Không phải tự nhiên mà đại đa số người dùng Việt lại ưa chuộng hình thức “tiền trao cháo múc”, là nhận hàng rồi mới trả tiền. Một phần bắt nguồn từ văn hóa và thói quen tiêu dùng của người Việt từ bao lâu nay, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do việc người dùng Việt thiếu niềm tin vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, họ luôn e ngại nhất định về uy tín đa số các nhà cung cấp. Đây là tâm lý khá phổ biến khi khách hàng còn có cảm giác sợ bị lừa, hoặc cảm thấy rủi ro khi mua hàng và đặc biệt khi thanh toán trực tuyến...

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, COD - hình thức thanh toán tiền mặt sau khi nhận hàng (Cash on Delivery) là tình trạng “nửa vời” của thương mại điện tử và thanh toán điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên hình thức này dường như là giải pháp tình thế khá hợp lý trong những bước đi ban đầu của thương mại điện tử ở nước ta.

Nhưng  nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn thì doanh nghiệp phải chịu tốn kém và rủi ro lớn do các yếu tố chậm hoặc không thu hồi được vốn, chi phí vận chuyển cao, nhất là trong trường hợp người mua không nhận hàng … Và như vậy thì chưa thể nói đến thương mại điện tử và thanh toán điện tử trọn nghĩa, chưa kể tới việc nếu chúng ta còn muốn hướng đến giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới thì thói quen dùng tiền mặt để thanh toán khi mua hàng qua mạng ở Việt Nam sẽ trở thành một trở ngại lớn.

Đâu là giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử?

Tham dự thảo luận tại diễn đàn lần này, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh muốn phát triển thanh toán điện tử thì phải chấp nhận cuộc cạnh tranh mạnh mẽ để luôn luôn cho ra những sản phẩm mới và tốt nhất cho thị trường.

Ông Tiên cũng đề nghị giữa ngành ngân hàng và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần phải tăng cường việc trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ…

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nhất của thế giới vào thanh toán điện tử, thay đổi cách thức hoạt động… giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm lớn về thời gian, chi phí, nguồn lực cũng như nâng cao hiệu quả chung của kinh tế xã hội.

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Với những hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực thuế và là một trong số ít những chuyên gia được doanh nghiệp tin tưởng tư vấn về các thủ tục, chính sách thuế, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng để bỏ thói quen thanh toán tiền mặt đã hình thành hàng nghìn năm từ nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa nhỏ bằng thanh toán điện tử thì phải cho người sử dụng thấy ngay được  lợi ích của sự chuyển đổi này.

Việc thanh toán qua thẻ phải thuận tiện, một cửa hàng có thể sử dụng  dịch vụ thanh toán của nhiều ngân hàng khác nhau, trước mắt nếu có thể đề nghị các nhà băng không thu phí khi thanh toán bằng thẻ.

Đối với các địa phương có cơ sở hạ tầng truyền thông tốt nên có điều khoản bắt buộc thanh toán điện tử trong việc cấp phép kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế. Hiện nay Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã quy định, thanh toán không dùng tiền mặt từ 20 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, dường như thanh toán điện tử nói chung và hình thức POS (thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ) nói riêng đang bỏ quên phần rất lớn trên thị trường khi mới chỉ tập trung ở các điểm mua sắm hiện đại, ở thành phố lớn. Trong khi đó bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường nhưng rất nhiều nơi chưa có thanh toán điện tử.

Do đó, bà Loan đề xuất cần xây dựng các giải pháp tuyên truyền, động viên, kết nối và hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng để thanh toán điện tử đi vào từng phân khúc bán lẻ, trong đó không chỉ mở rộng độ phủ ở thành thị mà còn cả những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Có thể nói, phát triển thanh toán điện tử là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới. Nó sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý nền kinh tế, góp phần hạn chế hiện tượng tham ô, tham nhũng, minh bạch hóa các vấn đề tài chính, chống thất thu thuế, tạo nên một xã hội công bằng, trong sạch và một nền kinh tế phát triển bền vững.

Hân Vi – Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến