Tin liên quan
Thanh toán điện tử là xu thế tất yếu
Sáng nay (16/12), tham dự diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra tiềm năng phát triển rất lớn của thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên thực trạng vẫn còn nhiều bất cập trong việc tạo thói quen cho người dân.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó thủ tướng nhận định: “Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”.
Theo Phó thủ tướng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. “Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên, để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các vị đại biểu tham dự Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015
Đóng góp tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam năm nay với chủ đề “Kết nối và hợp tác”, đại diện Ngân hàng Nhà nước – Phó Thống đốc Nguyễn Toàn Thắng cũng cho rằng “thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ và thông điệp chính mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại diễn đàn này là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh hơn”.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh lại cho rằng, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ tiềm năng để phát triển phương tiện thanh toán điện tử, đặc biệt sẽ có sự thay đổi sâu sắc trong vòng 5 năm tới.
Thứ nhất, với kết cấu dân số trẻ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ là những người tiêu dùng thông minh trong thời đại số, theo dự báo của Nielsen Việt Nam, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng trưởng gần gấp 3 lần, từ 13 triệu người lên 33 triệu người vào năm 2020 - đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, trong khoảng 92 triệu dân, có hơn 40% triệu người sử dụng Internet, trong đó, 58% sử dụng Internet đã từng tham gia mua hàng trực tuyến và 65% sử dụng smartphone để truy cập Internet. Các phương thức thương mại hiện đại cụ thể là mua hàng trực tuyến hoặc mua hàng trên các thiết bị di động thông minh đang nổi lên như một xu hướng tiêu dùng mới đối với người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam.
Chính những yếu tố trên sẽ là động lực làm thay đổi cách tiêu dùng của người Việt, tạo xu hướng ứng dụng và trải nghiệm công nghệ trong quá trình mua hàng.
“Các quốc gia khác trong khu vực đều tăng trưởng 2 con số về thương mại điện tử và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Do đó, phải làm sao để thanh toán điện tử sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, hiện đại hóa ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng”, ông Tuấn Anh nhận định.
Hơn 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử
Tham gia thảo luận tại diễn đàn, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra thực trang của việc thanh toán điện tử đã hỗ trợ cho dịch vụ công và doanh nghiệp, đặc biệt là công tác nộp thuế điện tử.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Bùi Quang Tiên trình bày tham luận
Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN cho biết: “Một trong các lĩnh vực dịch vụ công điện tử gần đây được Chính phủ, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh là việc nộp thuế điện tử. Theo số liệu Bộ Tài chính, đến nay đã có 90% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử, tuy nhiên số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng”.
Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam 2014 của Bộ Công Thương cho thấy mua bán trực tuyến đã phát triển rất nhanh thời gian qua với doanh thu B2C năm 2014 gần 3 tỷ USD, tuy nhiên trong số đó phần doanh thu đến từ thanh toán trực tuyến lại khá hạn chế với chỉ khoảng 5%.
Cùng quan điểm với phía Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đại Trí – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính còn đưa ra những bất cập trong quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ thời gian qua.
Đến nay, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của Tổng cục Thuế là hơn 466.000 doanh nghiệp - đạt hơn 90,7% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Tuy nhiên, “chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế rằng mặc dù đăng ký nộp thuế điện tử khá cao nhưng thực trạng nộp thuế còn có tỷ lệ chưa được như mong muốn. Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước qua cổng thuế điện tử của Tổng cục Thuế từ 1/1/2015 đến nay đạt hơn 104.000 tỷ đồng với trên 600.000 lượt giao dịch thực hiện (qua cổng của Tổng cục Thuế đạt 97.500 tỷ đồng; qua dịch vụ Ebanking ngân hàng hơn 6.500 tỷ đồng).
Đại diện các Bộ, ngành cùng đối thoại tại VEPF 2015 dưới sự chủ trì của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT (ngoài cùng bên trái)
Thời gian tới, Tổng cục thuế cũng đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết về kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ cũng như cơ chế chính sách để có thể triển khai nộp thuế điện tử đối với các hộ kinh doanh, cá nhân.
Lộ trình thực hiện, từ ngày 1/1/2016, hộ kinh doanh thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với nộp thuế theo phương pháp khoán. Hộ kinh doanh được quản lý theo phương thức điện tử và nộp thuế điện tử qua đơn vị uỷ nhiệm thu thuế như nộp qua dịch vụ thanh toán điện tử Bankplus của Ngân hàng Quân đội (MB), nộp qua thẻ, nộp qua internet banking... Từ 1/7/2016, triển khai thí điểm khai và nộp thuế điện tử cho cá nhân khai lệ phí trước bạ ôtô, xe máy, cho thuê nhà, nộp các khoản thu liên quan đến đất. Từ 1/1/2017, triển khai diện rộng toàn quốc của 3 lĩnh vực thí điểm và mở rộng cho các lĩnh vực khác: lệ phí trước bạ tài sản phải đăng ký khác, cho thuê tài sản, hộ kinh doanh qua mạng.
Cũng vào sáng nay, trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận Hợp tác liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”, dưới sự chứng kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cùng đại diện các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Qua lễ ký kết này, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác nhiều hơn nữa của các bộ ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử ngày càng phát triển.
Hoa Liên – Việt Hà
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy