Dòng sự kiện:
Nga vượt lên các biện pháp trừng phạt tài chính của nước ngoài
24/03/2022 20:41:54
Đồng ruble đã giảm 40% so với đồng USD trong tuần sau khi dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng, nhưng 10 ngày sau đã phục hồi hơn 50% mức giảm này.

Giao dịch năng lượng của Nga chịu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng ảnh hưởng không lớn như ước tính ban đầu. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga do chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine như đóng băng dự trữ bằng đồng USD, euro và các đồng tiền mạnh khác của Ngân hàng trung ương Nga (CBR) nhằm gây sức ép lên đồng ruble và khiến người dân cũng như các công ty lo ngại về khả năng tiếp cận các khoản tiết kiệm bằng ngoại tệ.

Đồng ruble đã giảm 40% so với đồng USD trong tuần sau khi dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng, nhưng 10 ngày sau đã phục hồi hơn 50% mức giảm này. Đồng ruble hiện giảm 25% so với đồng USD và chỉ giảm 18% so với đồng euro kể từ ngày 25/2.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tại Washington, các điều kiện tài chính tại Nga cũng cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là có hai lỗ hổng lớn trong các biện pháp trừng phạt. Thứ nhất, Nga vẫn được phép bán dầu mỏ và khí đốt, và thứ hai là nước này có thể sử dụng đồng USD có được từ đó để hỗ trợ đồng ruble nếu muốn.

Chỉ có các giải pháp hoặc là trừng phạt các giao dịch năng lượng với Nga, điều vẫn khó chấp nhận đối với những nước châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của nước này, hoặc đe dọa trừng phạt các nước, hay các công ty ngoài Nga, bị phát hiện là đã hỗ trợ nước này thông qua thương mại.

Giao dịch năng lượng của Nga chịu tác động nhưng không lớn như ước tính ban đầu. Ngoài bán khí đốt cho châu Âu và Trung Quốc thông qua các đường ống, Nga vẫn đang xuất khẩu dầu mỏ bằng tàu qua các cảng trên biển Baltic và biển Đen.

Theo các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Dallas, dầu mỏ có thể sẽ được trao tay với các mức chiết khấu so với các mức giá cao hiện nay. Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga ra toàn cầu sẽ vào khoảng 900 triệu USD/ngày.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu yêu cầu các nước "không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble. Nếu như vậy, Nga có thể tránh được hoàn toàn các trừng phạt về tài chính.

Theo IIF, các biện pháp trừng phạt và các hạn chế về kinh tế có tác động nhiều hơn đến hoạt động nhập khẩu của Nga hiện đã bị đình trệ. Thặng dư tài khoản vãng lai của nước này có thể lên đến 250 tỷ USD, tăng so với mức 120 tỷ USD vào năm ngoái, con số đã là lớn nhất trong hơn hai thập niên.

Nga có thể sử dụng nguồn thu đó. Mỹ, các nước châu Âu và các nước khác trừng phạt CBR, đóng băng tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng trung ương khác. Có đến một nửa trong 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga nằm trong các tài khoản như vậy.

Tuy nhiên, CBR cũng có các tài khoản bằng ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại ở Nga như Gazprombank và có thể vẫn nhận USD vào các tài khoản này.

Mỹ cũng cấm bất cứ ngân hàng nào có chi nhánh tại Mỹ giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp với CBR. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn được phép giao dịch với các ngân hàng lớn nhất của Nga và CBR trong các giao dịch được cấp phép như giao dịch năng lượng và các sản phẩm cũng như dịch vụ có liên quan cùng với thuốc và thực phẩm.

Sau khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt, Nga đã thực hiện việc kiểm soát vốn để người Nga không chuyển tiền ra nước ngoài. Nước này cũng yêu cầu các nhà xuất khẩu bán 80% nguồn thu ngoại tệ cho CBR. Số USD này có thể được đưa vào các tài khoản của CBR tại các ngân hàng thương mại.

Việc tiếp tục xuất khẩu năng lượng và khả năng CBR nhận và sử dụng ngoại tệ có nghĩa việc bị đóng băng dự trữ ngoại hối không phải gây ra những vấn đề quá lớn.

Điều đó cùng với các kiểm soát vốn giải thích tại sao đồng ruble không chỉ không lao dốc mà còn phục hồi từ các mức thấp./.

Tác giả: Lê Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến