Tại Thanh Hóa, rừng sến Tam Quy nằm ở địa phận 3 xã: Hà Tân, Hà Lĩnh, Hà Đông thuộc huyện Hà Trung. Sến mật ở Tam Quy mọc tập trung gần như thuần loài, là cánh rừng hiếm gặp, nơi quần tụ tự nhiên độc đáo nhất của khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, sến mật mọc rải rác, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Để bảo tồn loài sến trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, năm 1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký quyết định thành lập Khu bảo tồn quốc gia rừng sến Tam Quy với diện tích lúc đầu là 350 ha.
Sau gần 40 năm duy trì, bảo tồn, hiện rừng sến Tam Quy đã mở rộng diện tích lên khoảng 520 ha và trở thành "lá phổi xanh" cho hàng ngàn hộ dân sống quanh rừng.
Ông Nguyễn Văn Chương, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy cho biết, sến mật được xếp vào nhóm thực vật đa tác dụng, gỗ sến rất rắn chắc được liệt trong nhóm tứ thiết (Đinh, Lim, Sến, Táu). Gỗ sến thường được dùng trong xây dựng, thân của cây sến có nhiệt lượng cao dùng để rèn các loại gia cụ và nông cụ mà không có loại than nào sánh bằng.
Theo ông Chương, sến mật là cây ưa sáng nhưng chiều cao tối đa chỉ khoảng 9-10 mét, trong khi lim xanh thường cao trên 13 mét, có tán rộng nên chỗ nào cây lim xanh vượt lên thì sến phát triển chững lại. Để bảo tồn cây sến, Trạm bảo vệ rừng đã tiến hành các biện pháp như phát quang tán cây bụi, mở rộng không gian, ánh sáng…theo hướng bảo tồn bền vững cho cây sến.
Trạm bảo vệ rừng sến Tam Quy cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, người dân trong công tác tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng…
Sến mật là loài cây gỗ lớn có tên khoa học là Madhuca pasquieri thuộc họ hồng xiêm (Sapotaceae), bộ hồng xiêm (Sapotales). Trên thế giới, sến mật phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Rừng sến còn giúp nguồn nước ngầm quanh vùng luôn được trong mát và rất ít khi cạn, dù hạn hán kéo dài, là nơi sinh sống của rất nhiều các loài động vật, chim…
Ngoài giá trị là cây lấy gỗ, quả và lá của sến mật có giá trị rất lớn. Quả sến ăn có vị ngọt, mùi thơm như mật ong, hạt sến được ép dầu có công dụng rất tốt đối với người mắc bệnh tim mạch. Lá cây có công dụng chữa lành vết thương, trị nhiễm khuẩn rất tốt…
Ngoài sến, rừng ở Tam Quy còn phân bố nhiều loài cây khác như lim xanh, giẻ, chẹo, trâm, chẩu hoặc thông...Tuy nhiên cây sến Tam Quy đang đứng trước thách thức rất lớn bởi sự cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ của cây lim xanh.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy