Ngân hàng áp chỉ tiêu, tài khoản ảo tăng nóng
16/07/2015 16:07:08
Số lượng tài khoản cá nhân tại ngân hàng và số lượng thẻ ngân hàng phát hành vẫn tăng trưởng 2 con số qua từng năm là một kết quả đáng mừng cho yêu cầu tăng lượng thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng tăng trưởng nóng lại tạo ra câu chuyện khác.

Tin liên quan

Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 cho thấy, một trong những giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng giai đoạn vừa qua là triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Số liệu mới nhất được NHNN công bố đến cuối quý I/2015 cho biết, số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành lũy kế là 86,21 triệu thẻ, tăng gần 30% so với cuối quý I/2014. Còn theo thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến cuối năm 2014, tổng số lượng thẻ phát hành lũy kế đạt trên 79,2 triệu thẻ, tăng trưởng 22% so với năm 2013.

Thị trường thẻ duy trì đà tăng trưởng 2 con số hàng chục năm qua

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng dịch vụ thẻ nhanh là do “hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện chất lượng”. Theo ông Tiên, đến cuối tháng 1/2015, trên 16.100 máy ATM và trên 187.200 POS được lắp đặt (tương ứng tăng 6% và 44% so với cuối năm 2013).

Tăng trưởng tài khoản cá nhân và số thẻ phát hành là điều đáng mừng, nhưng theo một số chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng cao có sự đóng góp rất lớn của các ngân hàng trong cách đặt… chỉ tiêu!

Nhiều ngân hàng đã đặt mức tăng trưởng rất cao cho cấp chi nhánh và nhân viên phát triển khách hàng khiến tình trạng phát hành thẻ ảo, mở tài khoản ảo tại các ngân hàng vẫn còn rất lớn. Điều này gây tốn tài nguyên của các ngân hàng và tạo không ít vụ ồn ào giữa khách hàng và ngân hàng.

Có một sự liên quan giữa ngành viễn thông và ngân hàng, câu chuyện sim rác của ngành viễn thông được nói rất nhiều khi nhiều sim được mua chỉ vì chương trình khuyến mại, còn ngành ngân hàng cũng vậy, mở tài khoản ngân hàng để… ủng hộ anh em, bạn bè đạt đủ chỉ tiêu.

Người viết bài này có thời điểm đã gặp tình huống, chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày nhận được 3 cuộc điện thoại mời mở thẻ của 3 nhân viên khác nhau của một ngân hàng là ANZ Việt Nam. Cùng với những số liệu trên đã phản ánh rõ thực tế nỗ lực tăng tốc phát hành thẻ thời gian qua của các ngân hàng không phải chỉ là lớn mà là rất lớn.

Có thể chỉ liên quan tới cái tên, nhưng tuần qua có một câu chuyện nóng cũng đến từ ANZ Việt Nam. Một khách hàng ở Hà Nội sử dụng dịch vụ thẻ debit của ngân hàng ANZ Việt Nam từ năm 2008, được công ty mở tài khoản tại ANZ để trả lương, nhưng từ năm 2009 do chuyển công việc song không khóa tài khoản nên mỗi tháng bị ngân hàng trừ đều 200.000 đồng phí quản lý do không có số dư trên 50 triệu đồng. Vấn đề là khách hàng chỉ biết sau 6 năm khi đến ngân hàng làm thủ tục đóng thẻ.

Tất nhiên, để ngân hàng phục vụ thì “không có bữa trưa miễn phí”, ngân hàng phải thu phí trên những dịch vụ mà mình cấp. Tuy nhiên, như lời Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ, đòi hỏi từ việc phát triển ngân hàng bán lẻ, trong đó phát hành thẻ là một trong những điểm trọng tâm nên không ít ngân hàng đã “buông” tại khâu quan trọng nhất đó là con người.

Theo vị Phó tổng giám đốc này, nhiều ngân hàng, thay vì đào tạo ít nhất 1 tháng để những nhân viên này hiểu thấu đáo về sản phẩm thì chỉ đào tạo 2 - 3 ngày rồi tung ra thị trường. Hậu quả rất dễ xảy ra là khi tư vấn, giải thích không đầy đủ về sản phẩm khiến khách hàng hiểu sai và khi ký vào giấy tờ sẽ “bỗng dưng thành nạn nhân”. Hoặc, không thiếu trường hợp, nhân viên là người hiểu rõ sản phẩm nhưng để đạt được doanh số đã gian lận, cố tình bỏ qua những điều khoản gây bất lợi cho khách hàng.

Còn nữa, nhiều khách hàng chỉ vì cả nể nhân viên ngân hàng là người quen, người thân của mình, tin tưởng vào lời hẹn “chỉ mở thẻ để lấy chỉ tiêu rồi sau đó đóng” mà ký hợp đồng phát hành thẻ trong khi không đọc kỹ các điều khoản…, rồi sau đó một thời gian tự dưng phát hiện mình có khoản nợ.

Tất nhiên, thường là trong những trường hợp đó, khách hàng sẽ không chịu trả nợ ngân hàng. Nhưng hệ lụy dễ xảy ra là bị tính là có “tiền án xù nợ” ngân hàng, danh sách được nộp lên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để rồi tương lai nếu có vay mượn ngân hàng thì sẽ không thực hiện được vì “lý lịch tín dụng xấu”!

Trong câu chuyện phát triển, luôn có những vấp váp, những câu chuyện như đề cập trên có thể chỉ là rất nhỏ trong một xu hướng phát triển đáng được ghi nhận. Nhưng khi ngân hàng thu phí dịch vụ thì người tiêu dùng cũng cần được hưởng chất lượng tương ứng với số phí họ phải nộp.

Theo Đầu tư Chứng Khoán 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến