Các ngân hàng, công ty tài chính triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tín dụng đen (ảnh nhỏ).
Ngân hàng nói khó
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trương như vậy nhưng để các nhà băng rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ cho vay nhanh 5 - 30 phút như các kênh phi chính thức hoặc công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng hiện nay, theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), là không thể thực hiện với những quy định nghiêm ngặt trong hoạt động cho vay hiện nay. Cho vay phi chính thức hay còn gọi là tín dụng đen chủ yếu dựa trên hình thức tín chấp, mạng lưới bao trùm các phường xã và mức độ rủi ro mất vốn cao nên lãi suất cho vay cũng tỷ lệ thuận. Đi kèm theo là cách đòi nợ kiểu xã hội đen dẫn đến mất trật tự xã hội. Còn các NH không thể cho vay dưới chuẩn, thẩm định mục đích vay hời hợt để dẫn đến rủi ro nợ xấu, không đòi được nợ. Ông Hoàng Văn giải thích, thường thì người vay tín dụng đen cho những mục đích đột xuất như đóng học phí cho con, chữa bệnh; nhưng cũng có người chi tiêu, những mục đích không chính đáng…, đó là lý do tại sao tín dụng đen vẫn có đất sống. Chính vì mục đích sử dụng vốn vay của người dân khác nhau nên NH cần phải xác định rõ mục đích cho vay theo đúng quy định. Vì thế yêu cầu cho tín chấp lại nhanh là rất khó.
Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Lê Nhân, nhân viên tín dụng cá nhân Vietcombank tại TP.HCM, cho biết: “Theo quy trình xét duyệt hồ sơ vay, NH cần khoảng 6 ngày làm việc mới có thể giải ngân. Cụ thể mất 3 ngày từ khi NH nhận đầy đủ hồ sơ, sau đó qua giai đoạn công chứng, đăng ký thủ tục thế chấp mất thêm 3 ngày nữa”. Ông nói thêm: "Đối với những số tiền vay nhỏ vài trăm triệu đồng, những khách hàng mở thẻ tín dụng NH có thể sử dụng để quẹt thẻ thanh toán hay rút tiền mặt từ thẻ mới có thể có tiền nhanh được. Tuy nhiên các NH hiện nay giải quyết cấp thẻ tín dụng theo hình thức tín chấp đối với những người chứng minh được có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định. Còn đối với những người dân lao động tự do, rất khó có thể mở thẻ tín dụng theo hình thức tín chấp bởi mức độ tín nhiệm cá nhân không thể xác định được. Hơn nữa, trong trường hợp rút tiền mặt từ thẻ tín dụng quốc tế, chủ thẻ mất phí rút tiền khoảng 4% cộng thêm lãi suất vay khoảng 2%/tháng".
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng yêu cầu NH rút ngắn thời gian cho vay kiểu giải quyết “nóng” rất khó. Hoạt động NH thương mại cũng như doanh nghiệp, nếu không kiểm tra sử dụng tiền vay đúng mục đích mà số tiền này được sử dụng vào bài bạc, đề đóm… thì NH có thể bị “cầm tù” bởi nhóm khách hàng này. TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo NH BIDV, cũng cho rằng hoạt động cho vay của NH cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật nên để giải quyết hồ sơ vay nhanh nhằm hạn chế tín dụng đen, chỉ có thể làm được khi các NH rà soát lại những giấy tờ không cần thiết. Trong bối cảnh hệ thống thông tin khách hàng thiếu minh bạch, thiếu chính xác nên việc xác định tăng hạn mức tín dụng, cho vay tín chấp, xác định khả năng trả nợ của khách hàng để đi đến quyết định giải ngân nhanh không phải dễ.
“Đánh” vào thị trường hàng tỉ USD
Thông tin từ NHNN, hơn một nửa dân số VN chưa có tài khoản tại NH; đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khá nhiều người trong số đó còn chưa biết tới bất kỳ một dịch vụ tài chính nào. Ngay tại TP.HCM, trung tâm tài chính của cả nước, nhiều người dân chưa bao giờ bước chân đến NH. Bà Nguyễn Thị Lê (Q.4) là minh chứng điển hình. Ở tuổi 50, bà Lê chưa có bất cứ giao dịch gì tại NH. “Khi nào cần tiền đột xuất mà không mượn được của người thân thì vay “nóng” bên ngoài 5 - 10 triệu đồng. Chỉ cần 5 - 10 phút là có tiền ngay nhưng lãi vay trả rất cao, không trả thì chúng đòi nợ giang hồ lắm. Nhưng biết làm sao vì đang cần tiền gấp”, bà Lê nói. Bà Lê chỉ là một trong số hàng triệu người dân chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng NH. Quy mô thị trường tín dụng đen khó có thể thống kê nhưng năm 2013, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đưa ra con số chiếm khoảng 30% trên GDP, tương đương 50 tỉ USD. Còn ước tính của Trung tâm đào tạo BIDV, quy mô của tín dụng đen chiếm khoảng 6 - 8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 500.000 tỉ đồng (tương ứng khoảng 21 tỉ USD).
NH nói khó, nhưng có một cửa vay chính thức mà người dân có thể tìm đến thay vì vay tín dụng đen, đó là các CTTC đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với dư nợ hàng tỉ USD. Tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,2 triệu tỉ đồng, tăng 13,93% so với cuối 2017. 78 tổ chức tín dụng cho vay phục vụ đời sống dư nợ đạt khảng 1,4 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 19,65% tổng dư nợ, tăng hơn 29% so với năm 2017. Riêng dư nợ cho vay tiêu dùng của 12 CTTC đang ở khoảng 89.384 tỉ đồng, tương đương khoảng 4 tỉ USD.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng chỉ có các CTTC có thể đáp ứng điều kiện giải ngân nhanh hơn so với NH nhưng những khoản cho vay sẽ không cao bằng NH. Để đẩy các kênh tín dụng tiêu dùng thêm phong phú, Chính phủ cần sớm hoàn thiện chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện nhằm đồng bộ hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp; Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hành lang pháp lý ở dạng thí điểm đối với các hình thức tài chính gắn với công nghệ như fintech, cho vay ngang hàng nhằm tăng tính cạnh tranh. “Chỉ có ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực cho vay thì mới giải quyết được yếu tố đáp ứng nhanh nhu cầu vốn, giống như ứng dụng công nghệ trong gọi xe, chỉ cần vài phút là có. Hơn nữa, cần tăng cường giáo dục tài chính cho người tiêu dùng, đặc biệt là về các sản phẩm tài chính tiêu dùng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân”.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho rằng, các CTTC và công ty vi mô xuất hiện những năm gần đây đã góp phần giải quyết một phần vốn tiêu dùng cho người dân, hạn chế tình trạng tín dụng đen. Các công ty này có hệ thống xét duyệt hồ sơ vay nhanh theo hình thức tín chấp là chính, đồng thời mạng lưới của công ty phủ sóng khắp các cửa hàng kinh doanh, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Mở rộng cho vay tiêu dùng ngăn chặn tín dụng đen Đó là ý kiến đáng chú ý tại tọa đàm Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15.3. Tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết tình trạng “tín dụng đen” đang bùng phát mạnh mẽ ở nước ta, hệ lụy đối với xã hội là rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn bởi vướng bẫy của tín dụng đen và không được pháp luật hỗ trợ. Do đó, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, chia sẻ cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính - NH hiện đại, tổ chức tài chính chính thức, giúp người dân có thêm lựa chọn thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức. Đồng quan điểm, TS Trần Kim Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế T.Ư), cũng cho rằng đối với nền kinh tế và xã hội, tín dụng tiêu dùng giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, giúp kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội; hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay. |
Theo Thanh Niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy