Dòng sự kiện:
Ngân hàng chủ động thực thi Thông tư 22/2019
28/11/2019 19:03:52
Với thông tư mới ban hành, cơ quan quản lý tiếp tục thể hiện rõ quan điểm 'mạnh tay' trong cho vay bất động sản, song các ngân hàng cho biết, điều này không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh...

Thông tư 22/2019 không gây nhiều ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB cho biết, Thông tư 22/2019/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 15/11/2019 nhằm thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hiệu lực từ 1/1/2020) có một số điểm khác biệt cơ bản:

Thứ nhất, nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn là 40%; từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2020 là 37%; từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 là 34% và kể từ ngày 1/10/2022 sẽ giảm xuống 30%.

Thứ hai, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các ngân hàng thương mại được nâng từ 80% lên 85%.

Thứ ba, về tỷ lệ an toàn vốn (áp dụng đối với các ngân hàng chưa thực hiện theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN) được quy định nhằm kiểm soát, hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, chuyển dòng tiền cho vay vào các kênh sản xuất - kinh doanh khác và phân khúc ít rủi ro hơn như nhà ở xã hội, và quan trọng hơn là giúp các ngân hàng có lộ trình hướng đến áp dụng Thông tư 41/2016 vào năm 2023.

Đặc biệt, cơ quan quản lý còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%, bên cạnh áp dụng hệ số rủi ro từ 50-150% với các khoản vay cá nhân phục vụ mua nhà.

Cụ thể, các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.

Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.

“Thông tư 22/2019 không quá khác biệt so với bản dự thảo được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến từ giữa năm 2019. Vì vậy, không chỉ SCB, mà hầu hết các ngân hàng thương mại đã có những bước chuẩn bị cần thiết cho việc áp dụng thông tư này vào đầu năm 2020”, ông Hoàn nói.

Ngay tại SCB, ông Hoàn cho biết, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn đã dưới mức 30% (đạt mức quy định áp dụng vào ngày 1/10/2022). Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi hiện vẫn đảm bảo dưới 80%.

Đối với tỷ lệ an toàn vốn, SCB đang thực hiện dự án “Thực hiện chuẩn mực an toàn vốn theo Thông tư 41/2016” với đối tác triển khai giải pháp tính tỷ lệ an toàn vốn là Công ty TNHH Raffles Việt Nam & Blackice Enterprise Risk Management Inc.

Hiện nay, dự án đã đến giai đoạn “Người dùng kiểm thử hệ thống” (User Acceptance Test  - UAT). Nếu giai đoạn này ổn, dự án sẽ hoàn thành ngay trong năm 2019.

Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ cao cấp HSBC Việt Nam cho biết, hoạt động cho vay bất động sản vốn đã được kiểm soát và siết rất chặt nên Thông tư 22/2019 được ban hành không ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng.

Tại TPBank, một lãnh đạo cao cấp thông tin, sau tái cơ cấu, Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và tiêu dùng, nên Thông tư 22/2019 về cơ bản không tác động đến hoạt động kinh doanh.

Theo đó, mặc dù thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh hơn, đạt 72%, lên 757 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mảng kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán có sự tăng trưởng đột biến về lãi thuần, lần lượt tăng 178% và 137%. Riêng lãi thuần thu về từ đầu tư chứng khoán là 824 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của công nghệ, mỗi tháng hệ thống LiveBank đã phục vụ hơn 2.500 giao dịch thành công. Thế nên, dù đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, song lợi ích mang về cho TPBank đã chuyển hóa tích cực, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

“Phí dịch vụ thanh toán của TPBank tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số như mạng lưới LiveBank và các ứng dụng e-Banking đã trợ giúp cho các dịch vụ gửi tiền và giao dịch qua Ngân hàng”, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nêu rõ.

Mặt khác, với mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ trong đó định hướng sự đóng góp của các sản phẩm thu phí sẽ ngày càng tăng cao và dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, TPBank đã lựa chọn Sun Life Việt Nam làm đối tác.

Giá trị chính thức của hợp đồng tuy không được tiết lộ, nhưng qua tìm hiểu cho thấy, tổng giá trị hợp đồng có thể lên tới gần 1 tỷ USD. Trong đó, riêng để đổi lấy việc độc quyền khai thác bảo hiểm, SunLife sẽ phải chi hỗ trợ ban đầu hơn 80 triệu USD.

“Cho vay bất động sản không còn là thị phần rất hấp dẫn đối với TPBank”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Thông tư 22/2019 được ban hành đã chính thức hóa các dự định của NHNN, trong đó việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là giảm rủi ro cho các ngân hàng và đây là điều thích hợp với tình hình thực tế và thị trường.

Trước câu hỏi về lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 30% đến đầu năm 2022 liệu có chặt chẽ, TS. Hiếu cho rằng, tỷ lệ này tại Việt Nam còn quá rộng rãi, bởi theo thông lệ quốc tế chỉ là 20%.

“Dù vậy, thực tế, ngành ngân hàng Việt Nam có rất nhiều vốn lưu động là vốn ngắn hạn nên mức 30% là tương đối phù hợp”, ông Hiếu nói.

 
Theo: Đầu tư Chứng Khoán
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến