Dòng sự kiện:
Ngân hàng chưa thoát khỏi vòng xoáy của vàng
29/05/2015 15:07:46
Các ông lớn về kinh doanh vàng như ACB, Sacombank hay Eximbank vẫn còn vài nghìn đến cả 10.000 lượng chưa thể thu hồi từ khách vay và phải chấp nhận rủi ro nếu giá sẽ biến động vào thời điểm thanh toán.

Tin liên quan

Hiện tại, Ngân hàng Á Châu còn tồn đọng khoảng 10.000 lượng vàng (tương đương 349 tỷ đồng) chưa thể thu hồi từ khách vay. Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn lý giải, hợp đồng cho vay vàng thường được ký kết tới 10-15 năm, giờ không thể bắt khách hàng mang vàng đến trả ngay, còn thuyết phục khách chuyển sang vay tiền đồng cũng là cả một vấn đề vì họ cảm thấy bị thiệt do chịu lãi suất cao hơn so với vay vàng.

"Tuy nhiên, từ con số hơn 100.000 lượng năm 2013, hiện dư nợ vàng đã giảm 90% được coi là sự cố gắng rất lớn giữa khách hàng và ngân hàng", ông nói.

Tổng giám đốc ACB cũng nói thêm, khoản cho vay bằng vàng này về nguyên tắc kế toán đều được hạch toán bằng tiền đồng, được theo dõi như những khoản cho vay thông thường khác nên không còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Ngoại trừ, giá vàng lên cao quá, khách hàng không đủ khả năng trả nợ vay thì mới dẫn đến nguy cơ nợ khó đòi, nợ xấu ", ông nói.

Ngân hàng vẫn loay hoay thoát khỏi dư nợ vàng.

Theo quy định, các ngân hàng buộc phải chấm dứt hoàn toàn trạng thái vàng trước 30/6/2013. Trên thực tế, số vàng mà các ngân hàng đã huy động trước đó, một phần cho khách vay lại, phần khác mang đổi ra tiền đồng để cho vay. Do vậy, khi tất toán, ngân hàng buộc phải mua vào để trả hết vàng huy động cho dân. Tuy nhiên, giá mua lúc này cao hơn nhiều (khoảng trên 45 triệu đồng mỗi lượng) so với thời điểm họ bán vàng lấy tiền đồng cho vay nên phải nếm trái đắng. ACB thua thiệt nhiều nhất, lỗ hơn 1.700 tỷ đồng khi phải ráo riết thực hiện yêu cầu tất toán trạng thái.

Với Eximbank, CEO Phạm Hữu Phú thông tin, thời gian qua nhà băng cũng liên tục đôn đốc công tác xử lý dư nợ vàng và từ đầu năm đến nay, số vàng cho vay đã thu hồi được hơn 3.000 lượng. Tính đến 23/5, dư nợ vàng tại Eximbank còn khoảng 6.600 lượng (thời điểm 30/6 dư nợ vàng tại nhà băng này là hơn 26.000 lượng) .

"Những hợp đồng tồn đọng này đều có thời gian đáo hạn khá dài, đến tận 2020, thậm chí 2035. Cũng may là thời gian qua, giá vàng có xu hướng đi xuống, nếu tiếp tục giảm trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho khách mua vàng trả nợ trước hạn dễ dàng hơn", ông nói.
Một ngân hàng khác cũng từng được mệnh danh là đại gia vàng là Sacombank, hiện nay dư nợ cho vay vàng giảm xuống còn 790 lượng. "Chúng tôi sẽ cố gắng dứt điểm trong thời gian sớm nhất để tránh phát sinh những chi phí khác", ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín nói.

"Vàng một thời là mảng đem lại lợi nhuận khá lớn cho ngân hàng, nhưng cũng chính nó khiến chúng tôi khá mệt mỏi, thậm chí từng gặp ác mộng do ôm khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng và đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm dư nợ cho vay", Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn mở đầu câu chuyện liên quan đến hoạt động cho vay vàng

Báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cho biết, cơ quan này đã hoàn toàn kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng thương mại. "Năm ngoái, dư nợ cho vay vàng là 76.000 lượng nay giảm xuống hơn phân nửa, còn 35.000 lượng. Chúng tôi đang yêu cầu các nhà băng tất toán toàn bộ các khoản vay này để loại bỏ hoàn toàn rủi ro bằng vàng trong thời gian sớm nhất", ông nói.

Thị trường vàng Việt Nam trước đây thường trải qua nhiều đợt biến động mạnh về giá kèm hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mỗi khi giá tăng hoặc giảm. Cơ quan quản lý cho rằng, việc các ngân hàng huy động và cho vay bằng vàng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho thị trường bất ổn, mặt khác nghiệp vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính hoạt động của các nhà băng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định bắt buộc các ngân hàng chấm dứt hoàn toàn với hoạt động huy động và cho vay vàng trước 30/6/2013, sau nhiều lần gia hạn.

Sau động thái mạnh tay này, giá vàng trong nước mặc dù vẫn còn chênh lệch lớn so với thế giới nhưng không còn những "cơn sóng" tăng giảm bất thường, cũng như các dòng người "rồng rắn" đi mua vàng. Lúc 15h chiều nay, mỗi lượng vàng SJC được các doanh nghiệp mua bán quanh 34,87-34,91 triệu đồng.

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến