Dòng sự kiện:
Ngân hàng co kéo room tín dụng nửa cuối năm
20/07/2022 10:49:48
Tăng trưởng gần hết room tín dụng của cả năm chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng để có dư địa tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, với áp lực lạm phát, có vẻ như Ngân hàng Nhà nước sẽ không có sự nhượng bộ.


Tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 30/6/2022 đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35%, cao hơn so với mức tăng 6,47% cùng kỳ năm 2021

Cạn room: Nơi mong nới, chỗ đề nghị thận trọng
 
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,42 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,47%).

Như vậy, nửa đầu năm nay, các ngân hàng đã sử dụng hết 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã sử dụng hết room tín dụng cả năm. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank, nửa đầu năm nay, ngân hàng này đã “xài” hết hơn 99% room tín dụng cả năm. Trong khi đó, lãnh đạo Agribank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã lên tới 6%, trong khi room tín dụng cả năm chỉ được NHNN cấp cho 7%.

Tuy vậy, đứng trước tình trạng cạn room tín dụng, các ngân hàng có kỳ vọng khác nhau. Hiện nay, ABBank và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã có công văn đề nghị NHNN nới room tín dụng để có thêm dư địa tăng trưởng nửa cuối năm.

Theo bà Hương, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chịu nhiều áp lực bởi lạm phát tăng cao trên thế giới. Tuy nhiên, dư địa nới lỏng thêm tín dụng vẫn đang còn. Nguyên nhân là lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn còn dư địa so với mục tiêu 14%, tín dụng thời gian qua đã được nắn vào lĩnh vực ưu tiên. Hơn nữa, năng lực quản trị, năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại thời gian qua đã được tăng cường.

Tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng ủng hộ chuyện nới room tín dụng, kể cả khi đã gần như cạn room. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng, các ngân hàng TMCP nên kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, nếu không sẽ gây ra cuộc đua tăng lãi suất huy động, giành giật vốn giữa các ngân hàng, dẫn tới châm ngòi cuộc đua lãi suất.

“Tôi hy vọng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp, nếu hy sinh để tăng trưởng thì áp lực lạm phát rất lớn. Agribank mong rằng không có đột biến quá lớn về tín dụng để không xảy ra cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay, tăng lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0”, ông Ấn cảnh báo.

Về vấn đề room tín dụng, tính đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14%, không nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cả năm. Bà Hà Thu Giang khuyến cáo, 6 tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng cần chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao để đảm bảo an toàn hệ thống.

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản than khó tiếp cận vốn, song số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng đổ vào lĩnh vực này vẫn tăng rất mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ toàn hệ thống. Cụ thể, tính tới ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Nới không được, siết không xong

Nới room là vấn đề nóng bỏng hiện nay, vì liên quan trực tiếp đến túi lợi nhuận của các ngân hàng. Thế nhưng, mặc cho các ngân hàng thương mại sốt ruột như ngồi trên lửa, năm nay, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn nhượng bộ với chuyện nới room.

Tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng cuối tuần qua, bên cạnh kiên định mục tiêu tín dụng 14% của cả năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng mong các ngân hàng thương mại thông cảm với Ngân hàng Nhà nước vì áp lực lạm phát rất lớn, phải nhắm tới mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, việc nới room, nếu có, sẽ diễn ra vào quý IV/2022 khi nền kinh tế vĩ mô đã được định hình rõ hơn, đồng thời sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét kỹ tùy từng trường hợp.

Lý giải về động thái giữ nguyên room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao như hiện nay, Việt Nam nới lỏng tín dụng cũng không được, mà thắt chặt tín dụng cũng không xong. Nới lỏng tín dụng sẽ khiến lạm phát tăng cao, nhưng thắt chặt tín dụng cũng làm cung hàng hóa suy giảm trong bối cảnh cầu bắt đầu phục hồi, đẩy giá cả và lạm phát tăng cao.

“Thắt hay nới tín dụng là vấn đề vô cùng nhạy cảm hiện nay. Chính vì vậy, tư duy thông thường là nhà điều hành sẽ cố gắng giữ bằng được mức tăng trưởng tín dụng trên dưới 14% như mục tiêu đề ra. Hơn nữa, vấn đề nới hay siết tín dụng cũng phải nhìn vào vòng quay của đồng tiền. Thực tế, vòng quay của tiền 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên rất nhiều: 2,7 lần, thay vì 1,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là yếu tố Ngân hàng Nhà nước cân nhắc khi điều hành tín dụng”, ông Nghĩa nhận xét.

Đến nay, giới chuyên gia vẫn có hai luồng quan điểm về câu chuyện nới room tín dụng của các ngân hàng.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên sợ “ngáo ộp” lạm phát, mà nên tranh thủ lạm phát thấp trong nước để bơm tiền phục hồi nền kinh tế. Các chuyên gia theo quan điểm này cho rằng, lạm phát các nước Âu, Mỹ tăng cao là do bơm tiền kích cầu, trong khi Việt Nam chưa bơm tiền ra nền kinh tế nên không có yếu tố lạm phát cầu kéo. Áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay xuất phát từ lạm phát nhập khẩu (lạm phát chi phí đẩy). Tuy nhiên, với lạm phát chi phí đẩy, chính sách tiền tệ không thể can thiệp mà chỉ có thể can thiệp bằng chính sách thuế (giảm thuế để giảm giá hàng hóa nhập khẩu).

Luồng ý kiến thứ hai ủng hộ Ngân hàng Nhà nước thận trọng nới room tín dụng, bởi nguy cơ lạm phát tăng cuối năm nay và năm tới là hiện hữu. Thực tế, rất nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… cũng đã phải đối phó với tình trạng lạm phát dâng cao, Việt Nam không thể chủ quan. Mạnh tay bơm tiền ra nền kinh tế thời điểm này giống như đổ dầu vào lửa. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ Ngân hàng Nhà nước chưa nới room tín dụng vào thời điểm này, mà cần tiếp tục theo dõi diễn biến kinh tế thế giới.

Với thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước, nửa cuối năm nay, các ngân hàng thương mại sẽ phải co kéo room tín dụng còn lại, đồng thời tập trung vào cơ cấu danh mục tín dụng, thu hồi nợ xấu, giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ phục hồi kinh tế…

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ chế cấp room tín dụng là hành chính, không nên kéo dài. Tuy vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng, đây là công cụ hiệu quả để trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại. Thống đốc cũng kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ hướng tới tìm vốn trên thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…) thay vì phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng, gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng.

Tác giả: Hà Tâm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến