Dòng sự kiện:
Ngân hàng của 'bầu' Thắng dành gần nửa vốn điều lệ xây trụ sở, chi nhánh
07/04/2017 06:44:14
ANTT.VN – Trong giai đoạn nắm quyền của “bầu” Thắng, Kienlongbank đã chi tới 1.500 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định.

Tin liên quan

Kết quả hoạt động của Kienlongbank đi xuống đáng kể trong nhiều năm trở lại

Lợi nhuận giảm 6 năm liền

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2016.

Năm 2016 ghi nhận dấu mốc phát triển mới với Kienlongbank, khi tổng tài sản lần đầu tiên vượt mức 30.000 tỷ đồng, tính tới cuối kỳ tài chính là 30.451 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm đầu năm.

Đóng góp phần lớn vào đà tăng trưởng khả quan trên là tín dụng. Chỉ tiêu này “bật” mạnh từ 16.080 tỷ đồng lên 19.597 tỷ đồng. Tài sản cố định cũng tăng mạnh 25% lên 1.315 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn điều lệ của Kienlongbank vẫn ổn định ở mức 3.000 tỷ đồng. Kể từ khi tăng vốn lên gấp 3 lần vào năm 2010 để đảm bảo đủ vốn pháp định theo Luật các TCTD 2010, Kienlongbank chưa tăng vốn thêm lần nào trong 7 năm qua.

Nguồn lực nội tại tương đối hạn chế khiến nhà băng này không còn cách nào khác buộc phải trông cậy vào các nguồn vốn từ bên ngoài. Tiền gửi của khách hàng tại thời điểm 31/12/2016 tăng 14% lên 22.889 tỷ đồng, số dư tiền gửi và vay tổ chức tín dụng khác cũng tăng gấp 3 lần so với đầu năm, từ 1.173 tỷ đồng lên 3.477 tỷ đồng.

Mặc dù tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, song thu nhập lãi của Kienlongbank lại chỉ “nhích” nhẹ từ 2.110 tỷ đồng lên 2.294 tỷ đồng, trong khi đó chi phí lãi lại tăng mạnh từ 1.287 tỷ đồng lên 1.508 tỷ đồng, khiến thu nhập lãi thuần trong kỳ giảm 4,5% xuống còn 786 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh cũng góp phần “bào mòn” lợi nhuận của Kienlongbank.

Tổng lợi nhuận sau thuế nhà băng này trong năm 2016 là 121 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2015. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 368 đồng. Hiệu quả kinh doanh của Kienlongbank liên tục sụt giảm kể từ mức đỉnh năm 2011 (xem đồ thị dưới).

Điểm sáng của Kienlongbank là tỷ lệ nợ xấu thấp và cơ cấu cho vay khách hàng tương đối an toàn.

Trong 19.766 tỷ đồng dư nợ tín dụng tính tới cuối kỳ, nợ ngắn hạn chiếm tới 60%, tương đương 11.934 tỷ đồng, nợ trung và dài hạn lần lượt ở mức 4.654 tỷ đồng và 3.177 tỷ đồng.

Đối với một tổ chức tín dụng, kỳ hạn khoản nợ càng ngắn thì mức độ rủi ro càng thấp. Tuy nhiên đi kèm với đó là lãi suất cho vay cũng thấp hơn. Đây có thể là nguyên do giải thích tại sao dư nợ tín dụng của Kienlongbank tăng mạnh trong năm 2016 song thu nhập lãi lại chỉ nhích nhẹ.

Dư nợ xấu của Kienlongbank tính tới cuối năm 2016 là 210 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 1%, giảm nhẹ so với 1,12% trong năm 2015.

Đây là con số tương đối thấp so với mặt bằng chung của các ngân hàng thương mại hiện nay (1,5%-2,5% chưa tính nợ xấu bán cho VAMC).

Dư nợ xấu bán cho VAMC tính tới cuối năm 2016 là 395 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2015 (416 tỷ đồng).

Diễn biến một số chỉ tiêu của Kienlongbank giai đoạn 2011-2016. Đv: Tỷ đồng

Dành gần nửa vốn điều lệ xây trụ sở, chi nhánh

Có một chi tiết đáng lưu tâm là Kienlongbank những năm gần đây dành rất nhiều tiền mua sắm tài sản cố định, phần lớn để xây dựng trụ sở, chi nhánh.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy nhà băng này đã dành ra tới 1.501 tỷ đồng mua sắm tài sản cố định và tài sản dài hạn khác trong 3 năm qua, góp phần lớn khiến số dư tài sản cố định tăng hơn gấp 2 lần từ 662 tỷ đồng đầu năm 2014 lên 1.315 tỷ đồng cuối năm 2016.

Điều khá trùng hợp là giai đoạn “chi bạo” xây dựng trụ sở, chi nhánh của Kienlongbank cũng là thời kỳ nắm quyền của Chủ tịch HĐQT ông Võ Quốc Thắng, người được đặt biệt danh “bầu” Thắng (giữa năm 2013 – nay).

Xét về mặt tích cực, có thể hiểu đây là chiến lược giữ vững, mở rộng thị phần của ban lãnh đạo Kienlongbank, trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực “buôn” tiền đang khốc liệt hơn bao giờ hết.

Song nếu nhà băng có trụ sở tại TP. Rạch Giá vẫn muốn tiếp tục đổ tiền xây dựng, mở rộng chi nhánh thì đồng nghĩa phải tăng thêm vốn điều lệ để đảm bảo quy định của pháp luật.

Khoản 3, Điều 6 Nghị định 57/2012 quy định tổ chức tín dụng được sử dụng không quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động.

Như đã lưu ý ở phần trên, giá trị tài sản cố định của Kienlongbank tăng mạnh 25% trong năm lên 1.315 tỷ đồng, tương đương 44% vốn điều lệ của nhà băng này, tiệm cận ngưỡng cho phép.

Minh Trang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến