Dòng sự kiện:
Ngân hàng 'đỏ mắt' tìm khách vay dù lãi suất cho vay giảm sâu
27/02/2024 12:52:29
So với cùng kỳ năm ngoái, đầu năm 2024 nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân chậm lại nên các ngân hàng đều chủ động đẩy mạnh cho vay vốn với lãi suất thấp.

Lãi suất cho vay không còn là rào cản nhưng tín dụng vẫn không đưa ra được nền kinh tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện các tổ chức tín dụng cho rằng hiện lãi suất huy động và cho vay đã giảm sâu so với đầu năm 2023 và trở về thời trước COVID-19, nên không còn là rào cản trong cho vay. Tuy nhiên trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đầu năm giảm, việc tìm khách vay đang là bài toán khó của các ngân hàng.

Không cho vay được là... thất nghiệp

Chia sẻ về tình hình cầu tín dụng giảm, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết đơn vị này đã lên kế hoạch triển khai công tác tín dụng ngay từ đầu năm 2024.

“Agirbank đã đưa ra cơ chế tăng trưởng tín dụng đồng loạt nên cho vay không có vướng mắc gì về mặt chỉ tiêu, lãi suất, nguồn vốn... hiện chỉ có vướng mắc là có khách hàng để cho vay hay không,” ông Vượng chia sẻ.

Cũng theo ông Vượng, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm (cả huy động và cho vay) trở về mức cả trước COVID-19. Ngay từ đầu năm ngân hàng đã ban hành gói tín dụng 60.000 đồng cho vay cá nhân đồng thời đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp tối đa 2,5%/năm so với mức lãi suất thông thường tại Agribank.

Tuy nhiên, quý đầu năm, thường tín dụng khó tăng cao, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đáng chú ý trong bối cảnh thị trường hiện nay thì người dân và cả nhà đầu tư cũng chưa mặn mà với xu hướng đầu tư khi các kênh đầu tư còn trầm lắng mà vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.

Ông Vượng cho biết thêm cho vay nông nghiệp tính phụ thuộc vào rủi ro để thành công là rất lớn, chỉ cần một mùa vụ không thành công là đẫn đến thất bại. Ông Vượng dự đoán thời gian tới sẽ có rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các khoản nợ cơ cấu đến hạn rất áp lực về xử lý nợ xấu. Với các dự án mới và dự án đang đầu tư, việc tháo gỡ những vướng mắc về luật đất đai, luật nhà ở... của chính quyền địa phương còn rất chậm, nhiều dự án tồn đọng đến 1-2 năm.

Ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank cũng cho hay lãi suất hiện nay không còn là rào cản đối với người đi vay mà quan trọng hơn là sức cầu của thị trường. Ngân hàng đã và đang từng bước giảm lãi suất cho vay và chuẩn bị giảm thêm 0,3%-0,5% lãi suất đối với khách hàng. HDBank cũng đang từng bước đẩy mạnh vốn ra thị trường, trong đó đối với lĩnh vực nhà ở xã hội trong năm nay HDBank cũng kỳ vọng giải ngân được khoảng 5.000-7.000 tỷ đồng.

Hiện dư nợ tín dụng trong tháng 1/2024 của HDBank tăng trưởng nhẹ khoảng 0,2%, nhưng qua đầu tháng 2/2024 thị trường khả quan hơn nên dư nợ tín dụng ước tính cuối tháng 2/2024 tăng khoảng 2%.

"Việc dư nợ tín dụng giảm trong những tháng đầu năm cũng là chuyện bình thường, vì nhu cầu vốn của khách hàng trong những tháng đầu năm chưa cao. Nhưng với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra 15% trong năm nay thì khả năng sẽ đạt được," ông Thanh nói.

Cán bộ ngân hàng đến thăm khu nuôi trồng thủy sản của khách hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Các ngân hàng khác cũng cho rằng hiện không thiếu vốn nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

“Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì ai cũng thích cho vay, không cho vay được là thất nghiệp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó,” đại diện một ngân hàng nói.

Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm.

“Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại ‘tranh nhau để cho vay’ nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro,” lãnh đạo một ngân hàng nêu rõ.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp chậm

Theo đại diện các ngân hàng thương mại, so với cùng kỳ năm ngoái, đầu năm 2024 nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân chậm lại. Trong khi các đơn vị kinh doanh của hệ thống ngân hàng đều chủ động đẩy mạnh cho vay vốn với lãi suất thấp để mở rộng các khách hàng.

Tình thế của các ngân hàng hiện nay chẳng khác nào cầm "hòn than" vì ôm một đống vốn và phải trả lãi đều cho người gửi tiền nhưng lại không cho vay được.

Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với vay vốn thì cầu đang giảm sút. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia cho rằng hiện hệ thống doanh nghiệp vừa trải qua hai năm đại dịch lại phải đối mặt ngay với suy thoái kinh tế, "sống mòn" với sức mua kém. Do vậy chỉ lo chuyện tồn tại thôi đã là quá khó nói gì đến việc dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vì vậy ngân hàng thừa thanh khoản nhưng mỏi mắt không tìm ra được khách hàng tốt để cho vay. Người dân thì có tâm lý phòng thủ, gửi tiền ở ngân hàng chờ tín hiệu tốt mới dám bung ra.

Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải co cụm, thu hẹp hoạt động, dẫn tới nhu cầu vay vốn xuống thấp. Thậm chí, nếu có vốn nhàn rỗi thì doanh nghiệp cũng thường gửi ngân hàng để chờ cơ hội thời gian tới.

Theo ông Huân, từ việc ngân hàng thừa tiền, còn doanh nghiệp lại khát vốn cho thấy cung và cầu tín dụng không gặp được nhau. Không ít doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì lại không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, khó chứng minh khả năng trả nợ…

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vẫn còn khoản nợ, không còn tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh không chắc chắn… nên không đáp ứng đủ điều kiện để cho vay. Do đó, ngân hàng cũng không thể cho vay được.../.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7/2/2024 yêu cầu tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.

Tác giả: Thúy Hà

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến