Mặc dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài nhưng người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn, do kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng trong tương lai. Mặt khác, tâm lý sợ lạm phát quay trở lại cũng làm người dân ít gửi tiết kiệm kỳ hạn dài khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn.
Ngoài ra, thị trường bất động sản hay chứng khoán đang được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn nên người dân thường chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn để dễ dàng rút tiền ra đầu tư vào các thị trường này khi có cơ hội. Vì vậy, các nhà băng không dễ huy động được nguồn vốn dài hạn từ dân cư. Nguồn vốn trung và dài hạn hầu như không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, nên các ngân hàng phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.
Một số nhà băng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đến cuối tháng 3/2021 lên tới trên 50% như Techcombank, VIB, OCB.
Tính tại thời điểm 31/3/2021, có đến 12 ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao hơn 30%. Trong đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Một số nhà băng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đến cuối tháng 3/2021 lên tới trên 50% như Techcombank, VIB, OCB. Trong đó, Techcombank cho vay trung, dài hạn hơn 175.762 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2021, nhưng vốn trung huy động dài hạn ở mức 27.544 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Ngân hàng này đã phải sử dụng tới 148.218 tỷ đồng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, tăng 8% so với đầu năm nay, chiếm 52% trong tổng nguồn vốn ngắn hạn.
Cùng thời điểm, VIB có dư nợ cho vay trung dài hạn 120.627 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Vốn huy động trung, dài hạn của Ngân hàng chỉ đạt 54.030 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, nên tính ra, Ngân hàng phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài là 66.598 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, chiếm 51% trong tổng nguồn vốn ngắn hạn.
OCB là ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao nhất hệ thống tín dụng trong quý I/2021, ở mức 53%. Tại ngày 31/3/2021, nhà băng này có 65.239 tỷ đồng cho vay trung dài hạn, tăng 3% so với đầu năm, trong khi nguồn vốn trung dài hạn ở mức 17.590 tỷ đồng, giảm 1%. Do đó, OCB cần thêm 47.649 tỷ đồng vốn ngắn hạn (tăng 4% so với đầu năm) mới đáp ứng đủ nhu cầu cho vay, trung dài hạn trong quý I/2021.
Một số nhà băng khác cũng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xấp xỉ 40% - tỷ lệ tối đa theo quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN (áp dụng trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2021). Chẳng hạn, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đến cuối tháng 3/2021 là 38%; tại Kienlongbank là 35% và VietBank là 34%.
Cũng theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ phải giảm từ mức 40% hiện tại xuống còn 37% trong thời gian từ 1/10/2021 tới 30/9/2022 và tiếp tục hạ dần theo lộ trình đưa ra. Điều này có nghĩa là, nhiều ngân hàng sẽ chịu áp lực giảm mạnh tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn.
Áp lực huy động vốn dài hạn sẽ gia tăng
Thực tế, lãi suất huy động vốn áp dụng cho kỳ hạn ngắn luôn thấp hơn so với huy động vốn kỳ hạn dài. Trong khi đó, cho vay kỳ hạn dài dù gặp rủi ro cao hơn, nhưng bù lại sẽ có lãi suất cao hơn. Do vậy, việc cho vay kỳ hạn dài hấp dẫn hơn nhiều so với cho vay ngắn hạn vì giúp ngân hàng có được biên lợi nhuận cao hơn, từ đó củng cố lợi nhuận chung của ngân hàng. Điều này cộng với thực tế nguồn vốn dài hạn khó huy động hơn khiến các ngân hàng phải “huy động” nguồn vốn ngắn hạn không nhỏ vào cho vay trung, dài hạn. Việc “bóc ngắn, cắn dài” sẽ đẩy ngân hàng vào khó khăn trong việc thực hiện những nghĩa vụ trả nợ khi những công cụ nợ tài chính đến hạn ở những thời điểm bình thường hoặc khó khăn.
Trong trường hợp thiếu hụt thanh khoản, các ngân hàng buộc phải đi vay tổ chức tín dụng khác trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao, làm gia tăng mặt bằng lãi suất. Đó là lý do hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn dài hạn trong thời gian gần đây, đồng thời tăng vốn điều lệ trong năm 2021 nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai theo quy định Thông tư 08.2020/TT-NHNN.
Theo báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5/2021, đã có 47 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 28.910 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng (chiếm gần 64%), nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng (chiếm 17,1%). Lũy kế hai tháng đầu quý II/2021, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng; trong đó, có 5.574 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (có kỳ hạn trên 5 năm), còn lại phần lớn trái phiếu tổ chức tín dụng phát hành có kỳ hạn 2 - 3 năm, lãi suất thấp từ 3,7 - 4,2%/năm. Một số nhà băng có khối lượng phát hành lớn trong kỳ bao gồm: VPBank (15 đợt với 8.900 tỷ đồng), TPBank (6 đợt với 5.000 tỷ đồng), ACB (3 đợt với 5.000 tỷ đồng), VIB (3 đợt với 4.000 tỷ đồng).
Giới phân tích tài chính cho rằng, nhu cầu phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại trong năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số CAR. Mức lãi suất trái phiếu ngân hàng phát hành cũng cao hơn lãi suất tiết kiệm, nhằm thu hút nguồn vốn trung, dài hạn đáp ứng các quy chuẩn sắp áp dụng tới đây.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, với tình hình hiện nay, việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhiều sẽ khó tránh được rủi ro. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, việc ngân hàng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chính là cách để giảm bớt rủi ro có thể gặp phải trong hoạt động tín dụng, trong bối cảnh các khách hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ trong tương lai.
Theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN, ngân hàng trong và ngoài nước phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình: Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 là 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 là 34%; từ ngày 1/10/2023 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm xuống còn 30%. |
Tác giả: Vân Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy