Dòng sự kiện:
Tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ huy động vốn
19/05/2021 19:59:56
Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đã trở lại trong quý I/2021, khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện, dù dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2021 của toàn ngành ngân hàng đạt 2,93% đã góp phần vào kết quả tăng trưởng GDP 4,48%.

Cầu vốn cải thiện

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30/4/2021 ước đạt 2.610.000 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng khoảng 3,01% so với cuối năm 2020.

Thông thường mọi năm, tín dụng tăng chậm trong quý I, song năm nay lại bật tăng mạnh, giúp nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong quý đầu năm và đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tham vọng cho cả năm.

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ năm 2020. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. Tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, định hướng năm 2021 của NHNN là tín dụng tăng khoảng 12%, ưu tiên tín dụng chảy vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2021 của toàn ngành đạt 2,93% đã góp phần vào kết quả tăng trưởng GDP 4,48%. Cụ thể, tín dụng cuối tháng 1 tăng 0,76%, tháng 2 giảm nhẹ xuống 0,66% do dịch bệnh bùng phát và đến tháng 3 đã tăng 2,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (chỉ 1,3%).

Tại SeABank, cho vay khách hàng đến cuối tháng 3/2021 tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 111.050 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng đạt 115.198 tỷ đồng, tăng 16,8%. Năm 2021, SeABank đặt mục tiêu huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,7%, đạt 124.277 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 13%, đạt 122.978 tỷ đồng.

Với ACB, tín dụng đến hết tháng 3/2021 đạt 324.000 tỷ đồng, tăng hơn 4,1%; huy động đạt 352.000 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động của ACB trong năm 2021 đều ở mức 9%.

Huy động vốn tăng chậm

Trong khi tín dụng tăng nhanh, thì tổng huy động vốn vốn nhàn rỗi vào ngân hàng có phần tăng chậm hơn. Theo NHNN Chi nhánh TP.HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30/4/2021 ước đạt 2.927.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, đây là tháng thứ hai huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng dương. Huy động vốn trên địa bàn tháng 3/2021 tăng 0,76% so với tháng trước và là tháng đầu tiên tăng trưởng kể từ đầu năm.

Thực tế, lãi suất tiết kiệm hiện giảm mạnh so với đầu năm ngoái khi NHNN đã 3 lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5 - 2%/năm trong năm 2020. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống 4%/năm; với kỳ hạn 6 - 13 tháng, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, đã có sự dịch chuyển từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, bất động sản, nhưng tình trạng này chỉ cục bộ với những khách hàng muốn chuyển hướng đầu tư khi mặt bằng lãi suất giảm. Khách hàng gửi tiết kiệm là những người có nguồn tiền nhàn rỗi muốn an toàn cho đồng vốn, nên không nhiều người rút ra.

Các chuyên gia VNDirect phân tích, thị trường bất động sản phục hồi diện rộng một phần nhờ lãi suất cho vay mua nhà được các ngân hàng đưa ra thấp hơn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản ước đạt 3%, cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (2,93%). Tín dụng bất động sản chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế và NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2021. Theo đó, tín dụng quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước, trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng lên. Dấu hiệu Covid-19 được kiểm soát và việc tiêm vắc-xin Covid-19 được triển khai sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, từ đó nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp, sẽ trở lại.
 
 Tác giả: Vân Linh
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến