Dòng sự kiện:
Ngân hàng dồn dập tăng vốn cuối năm
22/11/2021 14:37:01
Cả nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối lẫn khối ngân hàng tư nhân đồng loạt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, thưởng cổ phiếu cũng như chào bán ra thị trường.

VietinBank có tham vọng tăng vốn lên 54.134 tỷ đồng vào cuối năm nay. Ảnh: Dũng Minh 

Nóng cuộc đua tốp đầu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hải, Tổng giám đốc ABBank (mã ABB) cho hay, lộ trình tăng vốn lên gần 10.000 tỷ đồng nhằm phục vụ 2 mục tiêu chiến lược là nâng cao các chỉ số an toàn vốn, tăng quy mô vốn hoạt động và đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng năng lực cạnh tranh của Ngân hàng.

“Trong thời gian từ 18/11-8/12/2021, ABBank nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 20%. Cùng với đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu này, ABBank đã hoàn tất hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện phát hành hơn 11,426 triệu cổ phần (tương đương 2% vốn điều lệ hiện tại) cho cán bộ, nhân viên theo chương trình ESOP. Đặc biệt, ngay sau khi hoàn thành 2 đợt phát hành này, ABBank sẽ thực hiện chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng”, ông Hải thông tin.

Tương tự, lãnh đạo Viet Capital Bank (mã BVB) cho biết, nhằm mục đích tăng cường năng lực tài chính để chuẩn bị đẩy nhanh kế hoạch mở rộng quy mô trong thời gian tới, vào ngày 24/11/2021, Viet Capital Bank sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ.

Theo phương án cũ, Viet Capital Bank sẽ tăng vốn thêm 1.052 tỷ đồng, nhưng hiện tại, HĐQT Ngân hàng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh phương án tăng vốn thêm 1.618 tỷ đồng. Trong đó, chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu với tổng giá trị phát hành 550,6 tỷ đồng; phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 4:1, giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) là 917,7 tỷ đồng; phát hành tối đa 150 tỷ đồng cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên Ngân hàng. Nếu phát hành thành công cả 3 phương án trên, vốn điều lệ của Viet Capital Bank sẽ tăng lên mức 4.789 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng quy mô lớn, hôm nay 22/11/2021 là ngày BIDV (mã BID) chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cổ phần mới cho các cổ đông. Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, BIDV sẽ tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng, lên mức 48.524 tỷ đồng (tương đương tăng 20,6%) bằng việc phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%) và 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%), đồng thời phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (tương đương 8,5% vốn điều lệ). Thời gian trả cổ tức được tiến hành ngay trong quý IV này, còn việc phát hành cổ phiếu mới dự kiến thực hiện trong thời gian từ nay đến năm 2022, sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Trong khi đó, VietinBank (mã CTG) quyết tâm thực hiện tham vọng dẫn đầu hệ thống ngân hàng về vốn điều lệ với kế hoạch tăng vốn lên 54.134 tỷ đồng vào cuối năm nay. Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Bình Minh từng khẳng định, năm nay, ngân hàng này sẽ hoàn thành các kế hoạch đề ra, trong đó có việc tăng vốn. Trước đó, VietinBank đã phát hành thành công gần 1,1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ hơn 29%, qua đó nâng vốn điều lệ 48.058 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống tính đến tháng 9/2021.

Vị trí thứ 3 đang “tạm thời” thuộc về VPBank (mã VPB), khi ngân hàng này đã hoàn tất việc phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu chia cổ tức tỷ lệ 80%, qua đó tăng vốn điều lệ lên tới gần 45.058 tỷ đồng (tương đương số vốn tăng thêm hơn 19.700 tỷ đồng).

Nói “tạm thời” là bởi Vietcombank (mã VCB) chuẩn bị thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8% để nâng vốn điều lệ lên hơn 47.325 tỷ đồng, tức tăng thêm khoảng 10.236 tỷ đồng. Đây là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu đầu tiên của Vietcombank sau 10 năm kể từ lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Thậm chí, Vietcombank còn có thể chiếm vị trí thứ 2 của BIDV nếu hoàn thành việc phát hành riêng lẻ quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng) để tăng vốn lên hơn 50.400 tỷ đồng. Các kế hoạch phát hành này đều đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua.

Ngoài ra, SHB (mã SHB) cũng mới được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 19.260 tỷ đồng lên hơn 26.674 tỷ đồng...

Cổ phiếu “vua” triển vọng, nhưng khó tránh pha loãng

Với các ngân hàng, 2021 là năm “chạy đua” tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó những ngân hàng tăng vốn mạnh từ đầu năm 2021 đến nay phải kể đến là VPBank (tăng 80%), VIB (44,2%), SCB (32,8%), Sacombank (32%), OCB (31,8%), ACB và HDBank (25%)...

Một mặt, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), nâng cao sức cạnh trạnh…, nhưng mặt khác cũng khiến cổ phiếu chịu áp lực pha loãng khi hàng tỷ cổ phiếu mới được đưa vào thị trường.

Kể từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán đã đón thêm gần 10,3 tỷ cổ phiếu ngân hàng thông qua niêm yết mới hay phát hành thêm, trong đó OCB (mã OCB) và SeABank (mã SSB) niêm yết lần lượt gần 1,1 tỷ và hơn 1,2 tỷ cổ phần trên sàn HOSE, VietABank đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần trên thị trường UPCoM... Theo số liệu thống kê từ HOSE và HNX, tính đến hết ngày 10/11/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 46,6 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường.

Thực tế, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm mạnh sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, thưởng cổ phiếu... Đơn cử, kể từ ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 40% (ngày 10/6/2021), cổ phiếu VIB đã giảm từ mức 51.700 đồng về quanh mức 38.000 đồng như hiện tại, tương ứng giảm khoảng 36%, nhưng nếu so với đầu năm vẫn tăng tới hơn 50%. Tương tự, cổ phiếu CTG cũng giảm hơn 30% sau khi chốt quyền trả cổ tức hơn 29% bằng cổ phiếu vào ngày 8/7/2021 tới nay, nhưng vẫn tăng hơn 32% so với đầu năm.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), khi lượng lớn cổ phiếu đổ vào thị trường trong một thời gian ngắn, chắc chắn thị giá cổ phiếu cũng như tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, áp lực tăng vốn luôn tồn tại khi các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, Basel III, bất chấp việc vốn điều lệ tăng mạnh từ đầu năm tới nay. Bởi theo quy định, chậm nhất đến ngày 1/1/2023, các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, trong khi đến nay mới có 16/35 ngân hàng đáp ứng được điều này. Vì vậy, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022.

Đơn cử, tại BIDV, tính đến cuối năm 2020, CAR của nhà băng này chỉ đạt 8%, mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 41/2016, cho nên việc tăng vốn điều lệ là rất cấp bách. Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, việc tăng vốn điều lệ giúp Ngân hàng tăng năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động tín dụng khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn bị kiểm soát chặt hơn theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN.

Còn ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Dragon Capital đánh giá, là “huyết mạch” của nền kinh tế, nên dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều khi kinh tế đang dần hồi phục sau giãn cách.

“Tất nhiên, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng đều tăng giá, mà có sự phân hóa rõ nét. Do đó, nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu của ngân hàng có tiềm lực cũng như quản trị rủi ro tốt”, ông Tuấn nói.

Tác giả: Thùy Vinh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến