Hàng loạt "đại gia" về kiều hối như Ngân hàng Đông Á, Vietcombank, Sacombank, Vietinbank... đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài.
Ông Vũ Thành Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty kiều hối Đông Á cho biết, chỉ trong tháng 10/2018 đã chi trả hơn 8.000 lượt giao dịch, tăng 13,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trung dự báo lượng giao dịch sẽ tăng 2-3 lần trong dịp Tết Nguyên đán do nhiều người tập trung gửi tiền cho người thân ăn Tết, lì xì và mừng tuổi.
"Từ đầu quý IV/2018, công ty đã xây dựng kế hoạch cũng như chuẩn bị các công tác cần thiết như tăng cường bố trí nhân sự nhằm đảm bảo giao dịch luôn thông suốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng", ông cho biết.
Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại.
Bên cạnh việc khuyến mại, tặng quà để thu hút nguồn kiều hối, nhiều công ty và ngân hàng cho biết đang tích cực mở rộng thị trường nhằm tìm kiếm thêm nguồn kiều hối.
Đại diện Vietcombank cho biết, công ty kiều hối của nhà băng này đã xây dựng một mạng lưới đại lý rộng lớn với hơn 1.800 ngân hàng trên khắp thế giới, hợp tác với nhiều đối tác. Từ cuối tháng 12/2017, công ty đã bắt đầu tiếp nhận dòng tiền kiều hối từ Mỹ và thực hiện chi trả ngoại tệ cho người thụ hưởng tại Việt Nam. Hiện nay, công ty hợp tác và kết nối với các đối tác từ Mỹ, Czech, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... chi trả tại quầy và chuyển khoản trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Lãnh đạo HDBank cũng cho hay, kiều hối chi trả qua ngân hàng tăng trưởng khá tốt trong năm 2018 và chủ yếu về từ Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Ngân hàng hiện rất chú trọng mảng này và tích cực mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM thông tin, đến cuối tháng 12/2018, kiều hối chuyển về địa bàn ước đạt hơn 5 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 50% tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam. Đây là điều rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang có xu hướng chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi sau động thái tăng liên tục lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nền kinh tế khác cũng có xu hướng thắt chặt lại tiền tệ. Đó là chưa kể, lãi suất USD tại Việt Nam đã giảm về 0% hai năm nay.
Theo ông Minh, kiều hối năm 2018 khả quan khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là kênh đầu tư bất động sản. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, kiều hối bình quân trong 3 năm trở lại đây đạt khoảng trên dưới 5 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, nguồn kiều hối đổ vào lĩnh vực bất động sản ước tính trên 21%.
Như vậy, bình quân một năm có trên 1 tỷ USD đổ vào bất động sản. Ông Minh đánh giá, đây là sự hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển bất động sản, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Năm qua, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ chính là nguyên nhân lớn khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.
Nhờ đó, tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay khá ổn định dù thị trường thế giới biến động mạnh. Đến cuối ngày 16/1, mỗi USD được các ngân hàng niêm yết quanh 23.155 - 23.245 đồng, không thay đổi nhiều ngày qua.
Theo Vnexpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy