Sự việc khiến nhiều khách hàng có sổ tiết kiệm lo lắng bởi nguy cơ trở thành nạn nhân của chính nhân viên ngân hàng.
Dùng sổ tiết kiệm giả rút hàng chục tỷ đồng
Ðược biết, vụ việc đã được Ðội 10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội khám phá, bắt giữ các đối tượng và thu hồi một phần tài sản. Nhóm tội phạm bao gồm Ðỗ Ðăng Trung (sinh năm 1986), Nguyễn Bá Anh (sinh năm 1985), cùng trú tại xã Gia Ðức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và Chu Thị Thu Hường (sinh năm 1981, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trưởng phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, ngày 20/12/2018, anh Ðăng Văn L. (ở Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn SMS Banking thông báo mình vừa rút số tiền 13 tỷ đồng từ 2 thẻ tiết kiệm gửi tại ngân hàng. Anh L. vội liên hệ với ngân hàng thì được thông báo giao dịch đã hoàn thành. Khi về nhà kiểm tra thì phát hiện thẻ ngân hàng vẫn ở vị trí cũ. Anh L. đã ra cơ quan công an trình báo.
Sau khi bị bắt, bước đầu, các đối tượng khai nhận, do có quan hệ từ trước, Ðỗ Ðăng Trung đã đề nghị Chu Thị Thu Hường, trưởng phòng giao dịch ngân hàng, tìm kiếm thông tin khách hàng có số dư tiền tiết kiệm lớn để chuyển cho Trung. Chu Thị Thu Hường đồng ý, sau đó sử dụng tên tài khoản của mình để đăng nhập vào hệ thống ngân hàng kiểm tra và phát hiện khách hàng là anh L. có khoản tiền lớn.
Hường đã chuyển thông tin cho Trung, sau đó, Trung làm giả thẻ tiết kiệm của anh L. rồi đến chi nhánh khác của ngân hàng rút số tiền 13 tỷ đồng mà không hề bị phát hiện. Số tiền chiếm đoạt được, Trung chia cho Hường 4,5 tỷ đồng, cho đối tượng hợp tác với mình là Bá Anh 500 triệu đồng, đồng thời hứa hẹn sẽ cho Bá Anh chiếc xe Trung đang sử dụng. Số tiền còn lại, Trung sử dụng vào mục đích cá nhân.
Theo cơ quan công an, các thông tin liên quan đến người gửi tiền (nội dung thẻ tiết kiệm, chứng minh thư của người gửi tiền) được cán bộ ngân hàng cung cấp cho các đối tượng. Từ đó, các đối tượng sử dụng máy tính, máy scan, máy photocopy, máy ép plastic để làm giả giấy tờ nhằm thực hiện hành vi rút tiền của người gửi ra khỏi ngân hàng một cách trót lọt.
Với thủ đoạn rất tinh vi, để qua mắt ngân hàng, các đối tượng đã mở 1 thẻ thật tại chính ngân hàng đó để có căn cứ so sánh với thẻ giả. Quá trình làm thẻ giả, các đối tượng đã in rất nhiều thẻ giả cho đến khi so sánh thẻ giả và thẻ thật trông tương đối giống nhau rồi mới đến ngân hàng để thực hiện hành vi rút tiền của khách gửi.
Qua điều tra, cơ quan công an nhận thấy có sự liên kết tích cực của nhân viên ngân hàng với đối tượng bên ngoài. Có những thông tin bí mật của khách hàng nhưng vẫn bị lộ ra ngoài. Khi đối tượng đến rút tiền thì mang sổ tiết kiệm và chứng minh thư giả rất giống với giấy tờ thật, trùng với tất cả thông tin của khách hàng. Ðiều này thể hiện các đối tượng có thủ đoạn hết sức tinh vi. Và sau khi vụ án được phá thành công thì đúng là có sự "giúp sức" của một nhân viên ngân hàng.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng cấu kết với đối tượng bên ngoài hoặc chính nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi làm giả sổ tiết kiệm hoặc giả chữ ký khách hàng, làm hồ sơ vay vốn cầm cố bằng sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tiền.
Ví dụ trường hợp đối tượng Lê Thị Thúy Hằng, cán bộ một ngân hàng nhà nước đã sàng lọc thông tin khách hàng và chọn ra 7 hồ sơ không đăng ký thông báo số dư qua điện thoại rồi lấy phôi sổ tiết kiệm của ngân hàng để in, phát hành lại sổ tiết kiệm. Tiếp đó, nữ nhân viên này đã tất toán các sổ tiết kiệm để rút tiền với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng.
Hay trường hợp 2 giao dịch viên ngân hàng đã lợi dụng lỗ hổng quản lý, đăng nhập tài khoản của lãnh đạo để tất toán khống 177 sổ tiết kiệm, rút tiền cá độ bóng đá và chi tiêu cá nhân.
Luật cấm nhưng khó kiểm soát
Nhìn nhận về những trường hợp nhân viên ngân hàng tuồn thông tin khách hàng cho các đối tượng bên ngoài, luật sư Vy Văn Minh (Ðoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, việc giữ bí mật thông tin khách hàng không chỉ là điều khoản ngân hàng đề ra trong cơ chế hay hợp đồng lao động tuyển dụng nhân sự mà đã quy định rất rõ trong luật.
Cụ thể, theo điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Việc tiết lộ thông tin tài khoản khách hàng là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những vụ việc cán bộ ngân hàng tiếp tay với các đối tượng bên ngoài cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng để các đối tượng làm giả thẻ, rút tiền. Trong trường hợp này, cán bộ ngân hàng được coi là đồng phạm giúp sức cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này làm tổn hại nghiêm trọng uy tín, thương hiệu ngân hàng và niềm tin của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng.
Với những vụ việc bị phát giác, cơ quan điều tra không khó lần theo dấu vết tội phạm, phát hiện cán bộ ngân hàng “nhúng chàm”, nhưng đấy là những trường hợp đã sáng rõ. Còn để tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”, ngân hàng phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ là phân tầng trách nhiệm quản lý khách hàng, như chỉ có cấp quản lý nắm được thông tin số dư tài khoản của khách hàng VIP. Khi xảy ra việc khách hàng tố cáo mất tiền gửi, ngân hàng sẽ biết và giải quyết kịp thời. Ðiều này tránh việc cán bộ ngân hàng làm liều vì họ sẽ biết chắc chắn trách nhiệm của mình đến đâu.
Về vấn đề này, chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, cán bộ ban kiểm soát một ngân hàng ngoại cho biết, khi tuyển dụng, ngân hàng nào cũng nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong hợp đồng tuyển dụng nhân sự và được nhắc đi nhắc lại trong quy chế, các cuộc họp. Nhưng rất khó để kiểm soát việc nhân viên lợi dụng chức vụ, “tuồn” thông tin khách hàng ra bên ngoài; ngay cả khi hệ thống thông tin đã được mã hóa…
Còn theo luật sư Trần Minh Hải (Giám đốc Công ty Basico), thời gian qua, do sự phát triển nóng của ngành ngân hàng, nhiều cán bộ được bổ nhiệm chức vụ, vị trí cao mà còn non tay nghề, thiếu kinh nghiệm và chưa thực sự am hiểu bản chất nghề nghiệp của mình.
Nhiều cán bộ chưa ý thức hết trách nhiệm phát sinh từ nghề nghiệp, chưa nhận thức được rủi ro, coi thường trách nhiệm pháp lý của chính mình. Từ đó dẫn đến việc coi nhẹ quyền lợi của khách hàng, ngân hàng mà họ phục vụ, tạo điều kiện cho các sai phạm diễn ra.
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy