Dòng sự kiện:
Ngân hàng giãi bày nỗi khổ về tăng vốn, bán nợ…
25/10/2019 06:00:51
Trong báo cáo vừa được gửi tới đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trình bày nhiều khó khăn của ngành ngân hàng liên quan đến việc tăng vốn, bán lại các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu.

Nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ảnh: Đức Thanh

Xin cơ chế đặc thù cho Agribank

Liên quan đến kết quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN cho biết, ngoại trừ một số ngân hàng yếu kém đang phải xử lý theo phương án đặc thù, đến nay, đa phần các ngân hàng đều đã được NHNN phê duyệt phương án tái cơ cấu. Sau 4 năm triển khai, sức khỏe của các tổ chức tín dụng đã được củng cố.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856.100 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%. Đã có 11 ngân hàng thương mại áp dụng chuẩn Basel II.  

Khối ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với tổng tài sản chiếm 43,01% toàn hệ thống, cho vay thị trường I chiếm 47,9% toàn hệ thống. 

Dù sức khỏe toàn hệ thống được cải thiện, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước rất khó khăn (nhất là với Agribank và VietinBank), ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng cho nền kinh tế.

NHNN đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để xử lý vấn đề tăng vốn, đồng thời có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank, song chưa được giải quyết.

Để sớm xử lý bài toán vốn của các ngân hàng, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).  

Liên quan đến 3 ngân hàng yếu kém, NHNN thừa nhận việc xử lý các ngân hàng này vô cùng khó khăn do chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư. Thời gian qua, các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại OceanBank và đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo phương án cơ cấu lại Ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

NHNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt đối với các đề xuất của NHNN về phương án xử lý các ngân hàng yếu kém.

Nợ xấu giảm, song bán nợ rất khó khăn

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968.890 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 về 1,98%. Nếu tính cả nợ xấu ngoại bảng (nợ bán cho VAMC chưa xử lý) và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống hiện là 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 5,85% cuối năm 2018.

Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cho biết, nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu đang tập trung chủ yếu ở các tổ chức yếu kém, song việc xử lý dứt điểm rất khó khăn, cần có cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn, do phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, NHNN đề nghị Quốc hội yêu cầu Tòa án Nhân dân tối cao sớm có văn bản gửi cơ quan toà án địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn. Tòa án Nhân dân tối cao xem xét, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp sớm có văn bản chỉ đạo về việc hoàn trả các tài sản đảm bảo là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ tại Nghị quyết 42 để ngân hàng có thể xử lý tài sản nợ xấu...

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho hay, dù Nghị quyết 42 đã đưa ra quy trình giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, nhưng khi Agribank chuyển 10 vụ án sang tòa án đề nghị giải quyết theo thủ tục rút gọn, thì ngoài 1 vụ án được hòa giải, 9 vụ án khác được tòa hướng dẫn giải quyết theo thủ tục thông thường.     

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, các địa phương đang làm theo quy trình cũ: cứ có đơn kiện là dừng lại, không cho ngân hàng xử lý nợ xấu, nên nhiều khi ngân hàng đã bán xong tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu, song chưa thể sang tên cho người mua.

Làm đúng quy trình, vẫn không bán được tài sản đảm bảo

Agribank có một khách hàng phát sinh nợ xấu từ năm 2000. Hơn 10 năm, Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng này tổ chức 13 lần đấu giá tài sản. Trong tất cả 13 cuộc đấu giá này, khách hàng đều có văn bản đồng ý cho ngân hàng tổ chức đấu giá.

Tuy nhiên, khi phiên đấu giá thứ 13 thành công, người mua chuyển hơn 1.000 tỷ đồng thanh toán cho Ngân hàng, thì khách hàng trên lại làm đơn gửi Tòa án Nhân dân quận 7 (TP.HCM), tố cáo quy trình đấu giá không minh bạch và đề nghị tự nguyện trả nợ, mục đích là đòi lại dự án. Dù Bộ tư pháp đã thanh tra và khẳng định Ngân hàng làm đúng quy trình, song Tòa án vẫn dừng lại, gây khó khăn rất lớn cho Ngân hàng lẫn người mua tài sản nợ xấu.

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến