Dòng sự kiện:
Ngân hàng lo rủi ro tín dụng BOT và BT giao thông
23/10/2019 21:00:27
Nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.

Thực tế cho thấy, hiện nay các NHTM cũng đang tập trung tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông. Đại diện của một NHTM lớn đã từng đi đầu về cho vay các dự án này cho hay, trong năm nay, ngân hàng sẽ tập trung thu hồi các khoản nợ đến hạn, không cho vay thêm đối với các dự án BOT, BT giao thông. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cho biết họ phải giải quyết vấn đề sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm đảm bảo quy định của NHNN, vì vậy không thể mở rộng cho vay đối với dự án BOT, BT giao thông được.

Sự dè chừng của các ngân hàng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ thời gian thu hồi vốn của các dự án BOT, BT giao thông thường kéo dài 3-5 năm, thậm chí 10-15 năm hoặc lâu hơn. Không chỉ đối diện rủi ro về thời gian thu hồi vốn, các ngân hàng cũng rất khó để kiểm soát hết chất lượng các dự án, chẳng hạn tỷ lệ thất thoát vốn trong quá trình xây dựng, lưu lượng xe cộ lưu thông thấp hơn dự kiến, mức phí của chủ đầu tư đưa ra không được người sử dụng công trình chấp nhận…

Và tình hình gần đây cho thấy, những rủi ro từ tín dụng BOT, BT giao thông đã bắt đầu xuất hiện.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa khai mạc đầu tuần này cho biết, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Như vậy, so với quy mô khoảng 110.000 tỷ đồng dư nợ thì tỷ trọng có nguy cơ đó đã chiếm gần phân nửa.

Trước thực tế trên, để tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng ở ba điểm.

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án.

Ba là, tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến