Hơn 73,5 triệu cổ phiếu HNG được bán ra trong một tháng rưỡi, giá cổ phiếu bốc hơi hơn 1/3
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết đã bán xong 25,4 triệu cổ phiếu HNG. Sau giao dịch, tỷ lệ nắm giữ của Hoàng Anh Gia Lai tại CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã giảm xuống còn 9,4%, tương đương 104,68 triệu cổ phiếu nắm giữ.
Giao dịch được thực hiện qua cả phương thức bán thoả thuận và khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/2 đến 1/3, nhanh hơn nửa tháng so với khoảng thời gian đăng ký giao dịch.
Đây là giao dịch ngân hàng chủ động bán cổ phiếu để thu hồi khoản nợ được thế chấp một phần bằng tài sản đảm bảo là cổ phiếu HNG.
Ngay liền trước đó, từ 17/1 đến 10/2, ngân hàng cũng đã bán 48,1187 triệu cổ phiếu HNG, vượt 18.700 cổ phiếu so với đăng ký. Cùng đợt bán gần đây, ngân hàng đã giải chấp hơn 73,5 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu Hoàng Anh Gia Lai.
Lực cung lớn trên cũng là nguyên nhân đẩy giả cổ phiếu HNG lao dốc. Từ mức 13.500 đồng tại thời điểm mở cửa phiên 11/1 liền trước ngày đăng ký giao dịch, giá cổ phiếu HNG có thời điểm bốc hơi hơn 37% xuống còn 8.450 đồng vào ngày 16/2. Đóng cửa phiên 28/2, cổ phiếu HNG giao dịch ở mức 8.910 đồng.
Tuy nhiên, khi áp lực giải chấp không còn, HNG ghi nhận sự phục hồi mạnh trong tuần đầu tiên giao dịch của tháng 3 với mức tăng 10,7% trong tuần này và kết tuần tại mức 10.100 đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu HNG trong nửa năm qua - Nguồn: TradingView
Do Hoàng Anh Gia Lai là cổ đông liên quan đến người nội bộ của HAGL Agrico, các giao dịch trên đều được đăng ký thực hiện trước. Tính thời điểm hiện tại, cổ đông tổ chức này chưa đăng ký thêm lệnh bán cổ phiếu mới.
Đến cuối năm 2020, HAGL Agrico vẫn là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai dù tỷ lệ sở hữu đã giảm còn 40,29%. Tuy vậy, sau loạt lệnh bán khối lượng lớn bao gồm đợt bán chủ động để tái cơ cấu các khoản nợ hay bị động do ngân hàng giải chấp, Hoàng Anh Gia Lai hiện chỉ còn là cổ đông lớn của HAGL Agrico.
Liên tục tái cơ cấu nợ, tất toán khoản vay… , tỷ lệ nợ của Hoàng Anh Gia Lai vẫn neo cao
Kể từ sau khi HAGL Agrico không còn là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai, tài sản cùng nhiều khoản vay ngân hàng của công ty này đã không còn hợp nhất vào báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai. Cùng đó, nhiều khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai cũng được tất toán, như khoản vay của HDBank và TPBank, đều xấp xỉ hơn 600 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Công ty, Hoàng Anh Gia Lai sử dụng 40 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Công ty để làm tài sản thế chấp cho khoản trái phiếu thường 300 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 6/2023 (ACBS là tổ chức thu xếp phát hành). Đến cuối năm 2021, dư nợ khoản vay này vẫn giữ nguyên, nhưng không loại trừ khả năng đã giảm nhờ thu hồi nợ thông qua giải chấp cổ phiếu.
Tại thời điểm 31/12/2021, quy mô tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đã giảm mạnh còn 18.173 tỷ đồng từ mức 37.266 tỷ đồng hồi cuối năm 2020. Về cơ cấu nguồn vốn, dù nợ phải trả đã giảm một nửa so với đầu năm, tỷ lệ nợ vẫn nhích tăng nhẹ từ 73% lên 74,2%.
Nguyên nhân bởi vốn chủ sở hữu cũng sụt giảm mạnh khi Hoàng Anh Gia Lai phải ghi nhận khoản lỗ 1.013 tỷ đồng do thanh lý công ty con, hơn 560 tỷ đồng từ giao dịch vốn trong nội bộ tập đoàn với cổ đông không kiểm soát.
Dù giữa năm 2021 đã sử dụng toàn bộ thặng dư vốn cổ phần, lỗ luỹ kế của Công ty hiện vẫn xấp xỉ 4.430 tỷ đồng, tương đương gần nửa quy mô vốn điều lệ của Hoàng Anh Gia Lai.
Tác giả: Tùng Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy