Dòng sự kiện:
Ngân hàng không dễ lặp lại thành tích lợi nhuận
07/03/2019 08:00:09
Mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục của ngành ngân hàng năm 2018 là động lực lớn cho ngành này trong năm 2019. Tuy nhiên không tổ chức tín dụng nào đủ tự tin để nghĩ viễn cảnh tốt đẹp đó sẽ tiếp nối trong năm nay.

Hệ thống ngân hàng khép lại năm 2018 với niềm vui tăng trưởng lợi nhuận ở mức kỷ lục. Kết quả này cho thấy ngành ngân hàng đã đa dạng hóa được phương thức kiếm tiền, nhưng đà “hưng phấn” về lợi nhuận có thể sẽ khựng lại trong năm 2019 bởi các yếu tố không thuận lợi dần xuất hiện.

Áp lực tăng vốn để vượt dốc Basel II

Một mục tiêu, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng có thể tác động đến lợi nhuận trong ngắn hạn mà các ngân hàng đang đặc biệt quan tâm là Basel II. Theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời điểm áp dụng Basel II với hệ thống ngân hàng là đầu năm 2020. Như vậy, trong năm 2019, các ngân hàng sẽ cần hoàn thiện hệ thống công nghệ để tính toán các chỉ số an toàn cũng như chuẩn bị nguồn vốn để sẵn sàng cho thời điểm áp dụng Basel II.

Trong số những chỉ tiêu của Basel II, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một trong những yếu tố cốt lõi. Để đáp ứng và cải thiện CAR trong dài hạn, bắt buộc nhiều ngân hàng phải tăng vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu). Mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay vẫn bị giới hạn ở 14-15%/năm và dù ngân hàng nào cũng cho rằng đây là mức thấp, nhưng muốn tận dụng được hết room đó các ngân hàng niêm yết cần phải tăng vốn thêm 237.000 tỉ đồng trong năm 2019. Việc tăng vốn đang ngày càng khó khăn khi các phương thức truyền thống đang dần bị hạn chế.

Thực tế năm 2017 và 2018, trừ bốn ngân hàng trong diện cơ cấu lại, các ngân hàng khác đều có kế hoạch tăng vốn. Ngoài các ngân hàng thực hiện được toàn bộ hoặc cơ bản kế hoạch tăng vốn như Techcombank, Vietcombank, BIDV, VPbank, MB, SHB, HDbank, SHB thì nhiều ngân hàng còn lại vẫn loay hoay chưa tăng được vốn. Phương thức tăng vốn của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tư nhân là trả cổ tức bằng cổ phiếu và trả thưởng bằng cổ phiếu, vì vậy bị giới hạn. Việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư không khả thi, bởi giờ đây cổ phiếu ngân hàng không còn là tài sản đầu tư hấp dẫn.

Cửa sáng còn lại là trông cậy vào việc bán sỉ cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng tìm được cổ đông chiến lược ưng ý, đặc biệt là các NHTMCP Nhà nước.Với áp lực lớn từ ngân sách, dòng tiền mới chảy vào ngân hàng hiện nay chỉ có thể đến từ việc phát hành riêng lẻ cho các đối tác ngoại. Song, tình trạng chung hiện nay là room dành cho khối ngoại ở các ngân hàng này đều đã kín.

BIDV vừa được NHNN chấp thuận bán cổ phần cho đối tác Hàn Quốc vào cuối năm 2018, còn VietinBank đã nhắc tới việc tăng vốn ròng rã suốt ba năm nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Thậm chí, phương án chia khoản lợi nhuận hơn 4.000 tỉ đồng còn dư sau khi trích lập các quỹ của VietinBank năm 2017 cũng chưa được thông qua.

Không chỉ khó khăn về tăng vốn, yêu cầu về thanh khoản cao sẽ tác động đến chênh lệch lãi suất cho vay, hay nói cách khác là làm cho chi phí vốn tăng cao, kết quả là lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ giảm. Theo nghiên cứu của Ủy ban Basel, khi hệ số CAR tăng lên 1 điểm phần trăm thì chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí huy động vốn tăng lên 1,3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, có thể bù đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp như tăng lợi nhuận ngoài lãi (phí, hoa hồng...), tăng hiệu quả quản trị để giảm chi phí hoạt động.

Theo nghiên cứu của Elliot, nếu các ngân hàng không sử dụng các phương thức bù đắp này thì lãi suất cho vay có thể tăng 0,8 điểm phần trăm trong dài hạn. Ngân hàng sẽ khó tìm được khách hàng vay khi đưa ra mức lãi suất cho vay cao hơn đối thủ cạnh tranh và như vậy lợi nhuận sẽ giảm. Nếu ngân hàng áp dụng các phương thức bù đắp này thì lãi suất cho vay chỉ tăng 0,2 điểm phần trăm. Thậm chí, nếu ngân hàng quản lý hiệu quả và làm chi phí hoạt động giảm 3,5% thì kể cả khi CAR tăng 1 điểm phần trăm, lãi suất cho vay vẫn sẽ không thay đổi.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng năm nay là Basel II khi đã chính thức được áp dụng. Các ngân hàng không thể dựa nhiều vào tín dụng mà phải chuyển qua các hoạt động khác và lợi nhuận chắc chắn sẽ bị giảm sút chứ không thể như năm qua.

Trước tình hình này, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2019 sẽ khó có đột biến như những gì đã diễn ra trong năm 2018. Chỉ những ngân hàng quản lý tốt nợ xấu và trích lập dự phòng đầy đủ và đặc biệt là vượt qua được con dốc Basel II mới duy trì được mức tăng trưởng ổn định.

Đối diện nguy cơ giảm tốc và nợ xấu

Ngoài những tác động kỹ thuật của cơ chế hoạt động ngân hàng thì năm 2019 lợi nhuận ngân hàng cũng khó duy trì được đà tăng trưởng khi các thị trường sử dụng đòn bẩy tài chính lớn đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, thị trường bất động sản được đánh giá là đã đi qua đỉnh tăng trưởng và thời gian tới sẽ chậm lại khiến không chỉ người trong ngành mà các ngân hàng phải lo lắng. Đây là kênh có tỷ suất lợi nhuận cực kỳ hấp dẫn, nên dẫu biết tỷ lệ rủi ro cao nhưng thời gian qua ngành ngân hàng cũng không thể ngó lơ.

Mặc dù các con số thống kê cho thấy tỷ trọng dư nợ bất động sản chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng dư nợ, nhưng nếu tính luôn phần dư nợ núp bóng tiêu dùng thì tỷ trọng cho vay bất động sản có thể lên đến gần 20%, xấp xỉ hơn 1,4 triệu tỉ đồng ước tính đến cuối 2018. Với tỷ lệ này có lẽ ngành ngân hàng cũng nên cảnh giác với những biến động của thị trường bất động sản trong tương lai gần.

Không chỉ với tín dụng bất động sản núp bóng tiêu dùng mà ngay cả với tín dụng tiêu dùng thực đang ngày càng nở rộ, nỗ lực “làm đẹp nợ xấu” của ngành ngân hàng cũng trở nên khó khăn. Các ngân hàng, công ty tài chính sau thời kỳ phát triển cho vay tiêu dùng ồ ạt với lãi suất vượt trội, đua nhau cạnh tranh bằng chính sách thẩm định dễ dãi và giải ngân nhanh, dường như đang đến thời kỳ đối mặt với hậu quả của chính sách quản lý lỏng lẻo và thiếu kiểm soát. Thực tế là nhiều công ty tài chính, ngân hàng đang bắt đầu ghi nhận nợ xấu tăng vọt từ các khoản cho vay tiêu dùng.

Đó là những rủi ro khách quan mà ngành ngân hàng có thể đối mặt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những điều chỉnh trong nội hàm hoạt động của ngành cũng khiến các ngân hàng phải đối diện với nhiều thách thức.

Trước mắt đó là việc chính sách tiền tệ có thể còn bị thắt chặt hơn sau nhiều năm nới lỏng. Điều này không chỉ khiến “bóng ma nợ xấu” quay lại mà chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng bị hạn chế. Tốc độ tăng trưởng giảm tốc, khu vực rót vốn bị hạn chế sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên cao khiến ngân hàng chật vật hơn dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hạn hẹp. 

Các NHTMCP Nhà nước, với áp lực lớn từ ngân sách, dòng tiền mới chảy vào ngân hàng hiện nay chỉ có thể đến từ việc phát hành riêng lẻ cho các đối tác ngoại. Song, tình trạng chung hiện nay là room dành cho khối ngoại ở các ngân hàng này đều đã kín.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến