Dòng sự kiện:
Ngân hàng mạnh, kinh tế mới vững
10/05/2019 16:00:20
HoREA cũng thừa nhận việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực BĐS, tuy trước mắt có gây áp lực rất lớn đối với các DN, nhưng là áp lực lành mạnh, có tính tích cực...

Ảnh minh họa

Đề xuất giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn về còn 30% mà NHNN đưa ra trong Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang thu hút nhiều sự quan tâm chú ý, đặc biệt là từ các DN BĐS. Thậm chí, nó còn là chủ đề hot tại Diễn đàn “Toàn cảnh thị trường bất động sản và tài chính Việt Nam 2019” vừa diễn ra mới đây.

Đây không phải là lần đầu tiên các DN BĐS “có ý kiến” với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Còn nhớ ngay khi Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 được công bố với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40%, đã nhận được khá nhiều ý kiến từ phía các DN BĐS.

Hay như hồi tháng 9/2018, chỉ 3 tháng trước khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm về còn 40%, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng đã có văn bản kiến nghị giữ nguyên tỷ lệ này ở mức 45%. Nay HoREA lại tiếp tục có văn bản kiến nghị nên giữ nguyên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 40% cho tới hết năm 2020 và chỉ giảm về còn 30% từ 1/7/2022.

Cũng là dễ hiểu bởi việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chắc chắn sẽ khiến nguồn tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS bị thu hẹp, nhất là khi Chính phủ và NHNN cũng đang có chủ trương siết chặt tín dụng chảy vào lĩnh vực này. Tuy nhiên cần nhớ rằng chính sách tiền tệ không phục vụ riêng cho bất kỳ một ngành hay lĩnh vực nào mà hướng tới lợi ích tổng thể của toàn bộ nền kinh tế với mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và phải đảm bảo cho hệ thống các TCTD hoạt động an toàn hiệu quả.

Xét ở giác độ này thì việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30% là hoàn toàn hợp lý và cần sớm thực hiện. Thậm chí có chuyên gia còn khuyến nghị nên giảm tỷ lệ này xuống còn 20%. Bởi ai cũng hiểu việc sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ đẩy các ngân hàng đứng trước rủi ro thanh khoản khi mà nguồn vốn huy động của các ngân hàng hiện nay đa phần là ngắn hạn.

Trên thực tế, quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn được đề cập đến lần đầu tiên trong Quyết định 297/1999/QĐ-NHNN5 ngày 25/8/1999, trong đó tỷ lệ cao nhất được áp dụng đối với các TCTD Nhà nước, TCTD liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, TCTD phi ngân hàng nước ngoài chỉ là 25%.

Từ đó đến nay, tỷ lệ giới hạn được thay đổi nhiều lần và trước khi được nâng lên mức 60% vào đầu năm 2015 (khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN chính thức có hiệu lực thi hành), tỷ lệ này là 30%. Tuy nhiên, chỉ áp dụng được hơn 1 năm, NHNN đã đưa ra lộ trình kéo giảm tỷ lệ này về còn 40% và nay là giảm về mức 30% như ban đầu.

Rõ ràng, việc NHNN sớm đưa ra lộ trình cụ thể với thời hạn khá dài cho việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cho thấy sự thận trọng của cơ quan này trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang là kênh cung ứng vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Song việc làm này là không thể không thực hiện để ngăn ngừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng, qua đó đảm bảo khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Bởi hệ thống ngân hàng có hoạt động an toàn, hiệu quả mới có thể hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững được.

Với riêng lĩnh vực BĐS, mặc dù siết lại việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có thể sẽ khiến các DN gặp khó khăn ban đầu, nhưng về lâu dài sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh và ổn định.

Nói như TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Không nên vội vàng kết luận rằng việc thắt chặt tín dụng sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS. Đây là cái nhìn chưa chuẩn khi chính sách tiền tệ có thể đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh hơn. Trái lại, nếu không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến vỡ bong bóng, lúc đó toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng”.

Ngay như HoREA cũng thừa nhận việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực BĐS, tuy trước mắt có gây áp lực rất lớn đối với các DN, nhưng là áp lực lành mạnh, có tính tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng, nhằm phát triển thị trường BĐS bền vững.

Hiệp hội cũng đã có văn bản khuyến nghị các DN thành viên đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn, làm đa dạng hóa các nguồn vốn và giảm bớt dần sự lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Âu đó cũng là con đường mà các DN BĐS nên chọn nếu muốn phát triển bền vững.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến