Dòng sự kiện:
Ngân hàng: Mắt xích trung gian 'xanh hóa' dòng vốn đầu tư (Bài 1)
24/09/2018 10:54:03
Phát triển ngân hàng xanh chính là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang dần chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế mới - tăng trưởng xanh và thực hiện theo những cam kết đã đề ra tại COP 21.

Bài 1: Tín dụng sẽ chuyển từ “nâu” sang “xanh”

Năm 2025: 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh. Đó là một trong những mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng đặt ra trong Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam được NHNN phê duyệt tại Quyết định số 1604/QĐ-NHNN.

Dù hiện chưa có quy định cụ thể về cung vốn tín dụng xanh. Song với nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, các TCTD đã rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu... Nhiều NHTM đã, đang triển khai các dự án tín dụng xanh. Vậy họ gặp khó khăn, vướng mắc gì. Và để đạt được những mục tiêu của Đề án thì cần những giải pháp nào?

Phát triển ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh

Phát triển theo định hướng

Việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, hướng tới nền kinh tế xanh đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là lựa chọn chính sách trọng tâm của nhiều quốc gia nhằm giải quyết các thách thức môi trường và kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với vai trò là trung gian tài chính, hệ thống ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững nền kinh tế.

Lãnh đạo Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) chia sẻ, một trong các mục tiêu quan trọng đặt ra trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” góp phần chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể là tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Có thể nói, “xanh hóa” ngân hàng để đóng góp vào “xanh hóa” nền kinh tế. Phát triển ngân hàng xanh chính là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang dần chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế mới - tăng trưởng xanh và thực hiện theo những cam kết đã đề ra tại COP 21.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. NHNN được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng.

Năm 2014, Quyết định số 403/QĐ-TTg được Thủ tướng ban hành phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. NHNN được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các NHTM phục vụ tăng trưởng xanh”.

Tiếp đó, năm 2016, điểm nhấn đáng lưu ý là cam kết INDC của Việt Nam và Quyết định số 2053/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. NHNN được giao phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ số 47 tại Quyết định 2053: “Đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tài chính như chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và theo đó có bộ tiêu chí về dự án xanh”.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN những năm qua đã có những bước khởi đầu trong việc xây dựng chính sách triển khai ngân hàng xanh. Năm 2015 NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Cùng với đó ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. NHNN cũng đã hợp tác với IFC xây dựng bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đặc biệt, mới đây NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1064) nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong huy động  nguồn tài chính, đặc biệt khu vực tư nhân để thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. “NHNN có vai trò cốt lõi điều phối trong hình thành khung pháp lý, định hướng và giám sát; đề ra phân loại dự án tăng trưởng xanh; đảm bảo các nguồn tài chính trong nước và bên ngoài”, bà Mai cho biết.

Nhận thức đúng về ngân hàng xanh

Đề án 1604 cũng đưa ra giải pháp phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam. Trong đó, nhóm giải pháp đối với NHNN bên cạnh việc xây dựng và ban hành hướng dẫn để định hướng phát triển ngân hàng xanh cho các TCTD, thì cần quan tâm xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế, hỗ trợ cho các TCTD để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh. Cùng với đó đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền thông; nghiên cứu triển khai một số giải pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế (kết hợp với biện pháp hành chính) nhằm phát triển TTKDTM trên cơ sở tận dụng các thành tựu KHCN 4.0 để “xanh hóa” hoạt động ngân hàng.

Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông này cho rằng nói về ngân hàng xanh, tín dụng xanh thì ai cũng có thể hình dung là sẽ có tác động tốt tới môi trường. Song để hiểu rõ ràng, cụ thể “ngân hàng xanh” là gì, làm “xanh” như thế nào thì là quá trình nhận thức có hệ thống và bài bản. Trong Đề án 1604 có nêu, ngân hàng xanh có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Song có hai cách hiểu tương đối phổ biến.

Thứ nhất, “ngân hàng xanh” được hiểu hoạt động như một NHTM thông thường, nhưng xem xét tới các yếu tố xã hội và môi trường. Phát triển ngân hàng xanh là việc chuyển đổi các quy trình nội bộ ngân hàng, cơ sở hạ tầng và CNTT theo hướng hỗ trợ tốt hơn cho việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Để hỗ trợ cho quá trình giảm phát thải các bon, các ngân hàng xanh tập trung nguồn lực tài chính vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong khuôn khổ các hoạt động ngân hàng.

Theo cách định nghĩa này, ngân hàng xanh có thể tồn tại theo mô hình ngân hàng đạo đức hoặc ngân hàng có trách nhiệm xã hội/ngân hàng bền vững như trường hợp First Green Bank – FGB (Mỹ), GLS (Đức), Triodos (Hà Lan).

Với cách hiểu thứ hai, ngân hàng xanh là một định chế tài chính công chuyên cung cấp các nguồn tài trợ dài hạn, chi phí thấp cho các dự án làm giảm thiểu, sạch các bon thông qua huy động các nguồn tài chính khác nhau để thu hút đầu tư tư nhân. Qua đó mỗi đồng vốn của công chúng có thể góp thành nhiều đồng vốn cho đầu tư tư nhân. Theo định nghĩa này, mô hình ngân hàng xanh hiện diện dưới hình thức một định chế tài chính công, điển hình như Nghân hàng Tái thiết KfW (Đức) và Ngân hàng Đầu tư xanh (Anh Quốc).

Nhìn vào hai định nghĩa trên và xét trên thực tế, giới chuyên gia đều nhận định: Hiện nay chưa có ngân hàng Việt Nam nào đi theo mô hình ngân hàng xanh chuyên biệt. Mặc dù các ngân hàng đã triển khai cho vay một số sản phẩm tín dụng xanh, tuy nhiên sản phẩm chưa đa dạng. Thêm nữa, hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội của các ngân hàng còn hạn chế và quy trình thẩm định tín dụng xanh của các nhà băng cũng chưa được quy định cụ thể. Chuyên gia cho rằng, các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai tín dụng xanh và có nhu cầu hỗ trợ về đào tạo, nguồn vốn, lãi suất và tiếp cận thông tin để phát triển tín dụng trong tương lai.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Với vai trò trung gian tài chính, ngành Ngân hàng cần có trácn nhiệm tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh để huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường.

Bài 2: Xanh hóa vốn đầu tư: Không dễ

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến