“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sẵn sàng bán ra dự trữ ngoại hối thêm khoảng 6 tỉ đô la Mỹ nữa nếu cần thiết nhằm duy trì tỷ giá trung tâm dưới mức 22.874 đồng/đô la Mỹ (tăng 2% so với đầu năm), tương đương mức trượt giá tối đa 3,8% đối với tỷ giá liên ngân hàng”, bản tin thị trường dành cho khách hàng ngày 18/9 của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) viết.
Biểu đồ dự trữ ngoại hối Việt Nam qua các năm. (Nguồn: MBS)
Dự đoán NHNN sẽ bán thêm 6 tỉ đô la Mỹ để can thiệp tỷ giá của VCSC phải nói là rất mạnh bạo! Trên thực tế cho đến hiện tại cơ quan quản lý ngành ngân hàng không có bất kỳ tuyên bố cụ thể nào về số lượng ngoại tệ bán ra can thiệp tỷ giá. Sau khi bán ra hơn 2 tỉ đô la Mỹ nhằm làm dịu sự rớt giá của đồng Việt Nam trong tháng 7, NHNN đã bán ra khoảng 1 tỉ đô la Mỹ nữa, nâng mức bán ra từ đầu năm đến nay lên hơn 3 tỉ đô la Mỹ. Nhờ việc bán ra này, cộng với thặng dư thương mại vọt lên 4,7 tỉ đô la Mỹ trong tám tháng đầu năm, tỷ giá niêm yết chuyển khoản bán ra của các tổ chức tín dụng trong những tuần qua tương đối ổn định quanh mức 23.310 - 23.350 đồng/đô la Mỹ.
Tuy nhiên câu chuyện tỷ giá đang có những yếu tố mới khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang ở mức độ chưa từng có. Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% lên 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24/9, Trung Quốc tuyên bố cũng đánh thuế lên 60 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập từ Mỹ, có hiệu lực cùng ngày 24/9. Nên nhớ trước đó Trung Quốc đã thực thi chính sách hoàn thuế cho tất cả nhà xuất khẩu của nước này bị ảnh hưởng bởi thuế suất của Mỹ. Đáng nói là việc hoàn thuế áp dụng cho mọi doanh nghiệp xuất khẩu, không phân biệt xuất vào thị trường Mỹ hay thị trường khác.
Song song với những động thái trên, đồng nhân dân tệ vẫn giữ mức trượt giá cao so với đô la Mỹ. Đồng tệ đã không thể lên cao hơn 6,85 tệ/đô la Mỹ. Cứ lên tới mức này, nó lại rơi xuống và có thời điểm đã chạm 7 tệ đổi 1 đô la Mỹ. Khả năng trượt giá của đồng nhân dân tệ đang được để ngỏ và đây rõ ràng là một thứ vũ khí lợi hại trong cuộc chiến thương mại mà Trung Quốc không che giấu ý định sẽ sử dụng.
Đồng Việt Nam được giới đầu tư và tài chính đánh giá là một trong những đồng nội tệ mạnh của khu vực kể từ đầu năm. Sức mạnh của tiền đồng đã được duy trì ổn định hơn sau khi Mỹ tỏ rõ quan điểm Việt Nam đang xếp vị trí thứ 5 trong danh sách các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ, đồng thời Mỹ muốn đảm bảo sự tự do, công bằng trong thương mại từ cả hai phía.
Có ba điểm nên lưu ý đối với sức mạnh tiền đồng. Thứ nhất thặng dư thương mại của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối của NHNN từ các doanh nghiệp FDI không dễ dàng như từ các doanh nghiệp nội địa. Tập đoàn Samsung luôn để ngoại tệ của họ trên tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt trong tám tháng đầu năm nhập siêu tương đối.
Thứ hai đồng Việt Nam đang ở giữa hai sức ép: sức ép từ sự trượt giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ và sức ép từ việc cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Việt. Bất cứ một sự giảm giá quá mức nào của tiền đồng đều có thể gây sự chú ý từ phía Mỹ. Thêm nữa dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn mỏng. Quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện đã lớn hơn trước rất nhiều, tương ứng dự trữ ngoại hối cần thiết cũng phải tăng lên ở một mặt bằng mới.
Thứ ba điều hành tỷ giá nên được đặt trong bối cảnh dài hạn của năm nay và cả năm sau. Sự cứng rắn trong điều hành của NHNN về lãi suất và tăng trưởng tín dụng đã được thể hiện và nó đang đi đúng hướng, nhưng tỷ giá dường như vẫn chưa gánh hết trọng trách mà đáng lẽ nó cần phản ánh. Nếu tỷ giá vẫn “đi bộ” trong năm nay như nó đã từng đi 2 - 3 năm qua, thì năm 2019 áp lực sẽ bị dồn nén lại. Và xử lý áp lực dồn nén sẽ khó khăn gấp bội so với hiện nay.
Trở lại với dự báo NHNN sẽ bán thêm 6 tỉ đô la Mỹ của VCSC, đây không phải lần đầu tiên Bản Việt đưa ra nhận định “lạc quan” quá mức như vậy. Gần đây nhất, trong bản phân tích về cổ phiếu của BIDV ngày 12/9, VCSC viết: “Chúng tôi kỳ vọng mức định giá phù hợp cho đợt phát hành tăng vốn 15% (sau phát hành) này sẽ vào khoảng 38.500 - 40.000 đồng/cổ phiếu”. Nguồn tin đáng tin cậy từ BIDV trao đổi với người viết bài này mức giá trên... quá khó! Còn giới ngân hàng thì nói thẳng ngay cả Vietcombank cũng không kỳ vọng phát hành cho đối tác chiến lược ở mức giá đó. Các ngân hàng đang ở thời điểm bước ngoặt mà tín hiệu đầu tiên là hạn mức tín dụng đã và đang cạn dần.
Theo Thời báo kinh tế SG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy