Dòng sự kiện:
Ngân hàng nào là 'bệ đỡ' tài chính cho doanh nghiệp của Shark Liên
05/12/2019 13:25:35
Indovina Bank và Vietinbank là 2 ngân hàng luôn song với Tập đoàn Aqua One của Shark Liên trong mọi lĩnh vực đầy tư, từ nước sạch cho tới dược phẩm.

AquaOne của Shark Liên đem cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái làm tài sản đảm bảo.

Sau khi bán lại Bảo hiểm AAA cho Tập đoàn IAG của Úc năm 2013, vợ chồng doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên - Lê Toàn thành lập Tập đoàn Aqua One, bung mình mạnh mẽ, kinh doanh đa ngành nghề trong nhiều lĩnh vực; như Bảo hiểm Viễn Đông (VASS), dự án cảng biển 10.000 tỷ đồng tại Vũng Tàu, bộ đôi dự án BOT Quốc lộ 14 - BOT Quốc lộ 22&22B với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

Ngoài bảo hiểm, những năm gần đây, hai lĩnh vực trọng tâm được Shark Liên đẩy mạnh đầu tư là nước sạch và dược phẩm thông qua Tập đoàn Aqua One và Công ty Dược Aikya

Aqua One bén duyên với ngành nước vào đầu năm 2015 khi đề xuất xây dựng Nhà máy nước Sông Hậu tại huyện Châu Thành, Hậu Giang với công suất ban đầu 100.000 m3/ngđ, cung cấp nước cho Khu đô thị công nghiệp Sông Hậu và các khu dân cư lân cận.

Cùng trong năm 2015, Aqua One tham gia vào đợt cổ phần hoá và trở thành cổ đông chiến lược, nắm 35% một doanh nghiệp nhà nước là Công ty Cấp thoát nước Phú Yên - đơn vị cung cấp nước sạch cho TP Tuy Hoà, Thị xã Sông Cầu, 6 thị trấn và 3 khu công nghiệp trên địa bàn.

Đầu năm 2016, Aqua One "tiến quân" ra thị trường phía Bắc khi được chỉ định đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống tại Hà Nội có công suất 300.000 m3/ngđ, đã khánh thành vào đầu tháng 9/2019. Hiện nay, tập đoàn của "Shark" Liên đang triển khai dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai tại Kỳ Sơn, Hoà Bình.

Lĩnh vực nước sạch đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong nhiều năm trở lại. Một số cái tên nổi bật như REE Corp hay Gelex Group, song chiến lược phát triển chưa thực sự rõ ràng. Trong khi REE thiên về đầu tư tài chính, thì Gelex Group của Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn cũng mới chỉ dừng lại ở thương vụ M&A Nhà máy nước sạch Sông Đà.

Sự nổi lên nhanh chóng của Aqua One có phần tương đồng với Ngành nước DNP - một nhà đầu tư cũng đang có tham vọng rất lớn trong lĩnh vực cấp nước, với cả hai cột trụ là xây dựng nhà máy mới và M&A doanh nghiệp nhà nước. Điểm khác biệt chính là quy mô đầu tư của Aqua One vượt xa Ngành nước DNP, với bộ ba nhà máy "siêu to khổng lồ" đã và đang triển khai.

Đối với các dự án liên quan đến dịch vụ công cộng như điện, nước, nhu cầu vốn đầu tư lớn và thường được tài trợ bởi các ngân hàng. Đây cũng là lý do chi phí lãi suất thường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nước sạch.

Trong quá trình huy động vốn nghìn tỷ, AquaOne của Shark Liên đã gõ cửa vay vốn của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và sử dụng chính cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. 

Được biết, ngân hàng thường xuyên tài trợ cho dự án nước sạch của tập đoàn Aqua One là Indovina Bank. Trong gian đoạn từ 2017 đến nay, CTCP Nước Aqua One đã nhiều lần thế chấp tài sản của mình tại Indovina Bank để đảm bảo khả năng trả nợ cho các khoản vay.

Năm 2017, trước khi trở thành công ty mẹ của PWS, CTCP Nước Aqua One đã sử dụng hơn 82,6 triệu phần phổ thông của PWS làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 300 tỷ đồng tại Indovina Bank.

Hàng chục triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống được AquaOne được thế chấp tại nhiều nơi để vay vốn.

Tới năm 2018, gần 20,8 triệu cổ phần phổ thông của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống do tập đoàn của Shark Liên sở hữu được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 590 tỷ đồng tại Indovina Bank.

Với dự án nước mặt sông Hậu, chủ đầu tư là CTCP nước Aqua One Hậu Giang – liên doanh giữa CTCP nước Aqua One (65,9%) và quỹ đầu tư VIAC Limitted của Oman (34%). Dự án có quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 1.900 tỷ đồng.

Indovina Bank cũng được xem là nhà tài trợ vốn cho dự án nước mặt sông Hậu khi nhận thế chấp toàn bộ máy móc thiết bị (hình thành trong tương lai) của dự án này.

Không chỉ tài trợ vốn cho lĩnh vực nước sạch, Indovina Bank còn song hành với Shark Liên trong lĩnh vực ít được chú ý hơn là dược phẩm thông qua Aikya Group.

Aikya Group được thành lập năm 2016 có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 3 cổ đông là: Công ty TNHH MTV Oneinvest (tỷ lệ sở hữu 49,99%); CTCP Một trăm (tỷ lệ sở hữu 50%) và bà Giang Thị Minh Hằng.

Tháng 7/2016, Aikya Group cùng Công ty TNHH MTV Dược Phẩm An Hy góp vốn thành lập CTCP Dược Aikya (Aikya Pharma), đây là pháp nhân chính thường được sử dụng trong các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp trong ngành dược.

Điển hình trong số này là thương vụ thâu tóm CTCP Dược phẩm và Sinh học Y tế (Mebiphar). Sau hoạt động cổ phần hóa, Akiya Pharma trở thành cổ đơn lớn nhất của Mebiphar, nắm giữ 67,45% vốn điều lệ công ty này vào thời điểm cuối năm 2018.

Cũng trong năm 2018, Aikya Group thực hiện thương vụ thâu tóm lại CTCP Dược phẩm TV.Pharm khi mua thành công trọn lô gần 4,4 triệu cổ phiếu, tương đương 43,47% vốn điều lệ của TV.Pharm từ SCIC, nâng tỷ lệ nắm giữ tại TV.Pharm lên 60,5%.

Sau đó, Aikya Group đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho Aikya Pharma. Đến tháng 6/2019, Akiya Pharma mua vào hơn 2,4 triệu cổ phần TV.Pharm để nâng tỷ lệ sở hữu từ 60,5% lên mức 82,21%.

Nguồn lực để hỗ trợ cho các hoạt động của Aikya Group và Aikya Pharma, một lần nữa, đến từ Indovina Bank. Cả Aikya Group và Aikya Pharma đã nhiều lần thế chấp tài sản tại Indovina Bank để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Cụ thể, năm 2018, Aikya Group đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ vốn góp tại công ty con là Aikya Pharma trị giá 316,8 tỷ đồng, bao gồm quyền sở hữu 3,59 triệu cổ phần tại Mebiphar và hơn 6 triệu cổ phần tại TV.Pharm làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 590 tỷ đồng.

Đầu năm 2019, Aikya Pharma đã cầm cố 13,27 triệu cổ phần của Mebiphar, tương đương với mức định giá hơn 411 tỷ đồng làm tài sản cầm cố cho khoản vay tại Indovina Bank.

Điều lạ hơn, Vietinbank Capital - công ty quản lý quỹ của Vietinbank cũng xuất hiện tại Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống trong vai trò uỷ thác của nhà đầu tư. Theo đó, thời điểm tháng 6/2016, Vietinbank Capital nắm tới 58% cổ phần vốn góp ban đầu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống, tương đương 580 tỷ đồng. Đến năm 2018, khoản vốn 58% của VietinBank Capital và 27% của VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore mới được chuyển sang các cổ đông khác, trong đó có Công ty cổ phần nước AquaOne, Công ty cổ phần quản lý quỹ Sài Gòn và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14.

Ngoài VietinBank Capital, nguồn tiền đổ vào dự án này đến từ Ngân hàng Indovina như đề cập ở trên khi ngân hàng cho vay hàng trăm tỉ đồng thông qua việc nhận cầm cổ hàng chục triệu cổ phiếu Sông Đuống của AquaOne.

Một chi tiết trùng hợp là Indovina Bank là ngân hàng liên doanh được thành lập với phần vốn góp 50% từ VietinBank và 50% từ Ngân hàng Cathay United (Cathay United Bank – CUB). Đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của Indovina là 193 triệu USD, trong đó VietinBank và Cathay United Bank mỗi bên góp 96,5 triệu USD.

Như vậy, đến cuối năm 2018, tổng số tiền mà VietinBank và các thành viên liên quan của Vietinbank đã rót vào dự án nước mặt Sông Đuống không dừng ở gần 3.000 tỉ đồng vốn tín dụng trực tiếp, khi mà chi phí đầu tư dở dang của dự án đến cuối 2018 chưa đến 3.200 tỉ đồng. Nguồn vốn thực tế đã được các định chế tài chính này "bơm" cho các pháp nhân đầu tư, quản lý vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đuống là bao nhiêu?

Phải chăng khi phê duyệt phương án tài chính đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống, TP Hà Nội đã "sẵn sàng" đối mặt với việc phải "bù lỗ" cho nhà máy này cùng với dự tính chia sẻ rủi ro tài chính từ hàng vạn người tiêu dùng "cõng" giá nước cao? 

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến