Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phải tái cơ cấu
25/08/2016 10:46:52
Bản thân Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tái cơ cấu để trở thành ngân hàng trung ương hiện đại, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại cũng tiếp tục cải cách nhằm lành mạnh hóa hệ thống tiền tệ của quốc gia.

Tin liên quan

Đây là một trong các trọng tâm của bản dự thảo đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo theo yêu cầu của Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 cuối năm nay.

Theo bản báo cáo hiện đang được đưa ra lấy góp ý của nhiều bộ, ngành và chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ được phát triển để trở thành “Ngân hàng trung ương hiện đại”, có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, thực hiện tốt chức năng ổn định giá, ổn định tài chính và các chức năng khác.

Nhiều mục tiêu tái cơ cấu hệ thống tín dụng lại được đặt ra. Ảnh TL

Lãi suất phải về 5%

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại, báo cáo đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, giảm mạnh rủi ro hệ thống, tăng cường độ rộng và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.

Cụ thể đến năm 2020 sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số ngân hàng thương mại yếu kém; kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%; đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020.

Để yêu cầu 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020, bản đề án đưa ra lộ trình tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định mới về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng và vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng không đáp ứng được mức vốn pháp định và chuẩn mực an toàn vốn.

Hoàn thiện thể chế

Để đạt được mục tiêu đó, khuôn khổ pháp lý tiền tệ, ngân hàng sẽ tiếp tục được hoàn thiện, gồm một số giải pháp như:

- Bổ sung và xây dựng khuôn khổ pháp luật về về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, trong đó đề cao thẩm quyền can thiệp của Nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý các yếu kém, tồn tại và các vi phạm, rủi ro của tổ chức tín dụng.

- Thực hiện cấp phép thận trọng, linh hoạt đối với việc thành lập mới ngân hàng thương mại; thắt chặt các điều kiện thành lập, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng; nới lỏng quy định về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam và các giới hạn sở hữu vốn điều lệ của thành viên góp vốn, cổ đông tại Việt Nam.

Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, báo cáo đưa ra các biện pháp như sau:

- Sửa đổi đồng loạt các luật và quy định liên quan để thúc đẩy xử lý nợ xấu, chỉ đạo VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường của các ngân hàng, xóa hoàn toàn nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Giải quyết nhanh và thực chất vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần đưa lãi suất cho vay về mức 5%/năm.

- Tiếp tục triển khai cổ phần hóa các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số ngân hàng thương mại cổ phần về mức trên 65%; thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; áp dụng biện pháp phá sản đối với các tổ chức tín dụng yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng.

Đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại, trong đó chú trọng nâng cao hiệu của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Tái cơ cấu ngân hàng không đạt mục tiêu

Đánh giá công tác tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và hệ thống tài chính trong giai đoạn 5 năm vừa qua, báo cáo cho rằng chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Việc tăng vốn điều lệ của nhiều tổ chức tín dụng chưa đạt được mục tiêu trong bối cảnh thị trường tài chính khó khăn, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trong nước hạn chế và nhà đầu tư nước ngoài chưa thực sự sẵn sàng tham gia.

Tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng chậm; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém thuộc tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đạt được kế hoạch.

Nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Việc điều hành tín dụng chưa gắn được với tư duy ổn định lãi suất trong trung và dài hạn. Lãi suất tín dụng trong thời gian từ năm 2012 đến nay - dù có xu hướng giảm vẫn chưa tạo dựng được lòng tin thị trường về sự ổn định trong trung và dài hạn, khiến cho doanh nghiệp giảm động lực thực hiện hoạt động đầu tư trung hạn và dài hạn.

Theo TBKTSG

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến