Tiền đâu kích thích kinh tế?
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 là chính sách được quan tâm nhất hiện nay, khi Chính phủ sẽ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp đột xuất vào tháng 12 này. Được biết chương trình có năm nhóm giải pháp chủ yếu gồm: y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới đã tung ra các gói hỗ trợ từ tài khóa đến tiền tệ lên đến 16,4% GDP tính bình quân toàn cầu, Mỹ cao nhất với khoảng 28% GDP, còn các gói hỗ trợ mà Việt Nam tung ra nền kinh tế chỉ mới khoảng 4% GDP, khả năng chương trình nói trên sẽ được thông qua là khá cao. Giới hoạch định chính sách lẫn phân tích đều cho rằng Việt Nam có thể nâng tỷ lệ này lên 7% đồng thời chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn trong ngắn hạn.
Tuy việc huy động vốn sẽ được thực hiện theo tiến độ giải ngân của từng chương trình thành phần nghiệp vụ chi cụ thể, nhưng nhìn chung áp lực huy động thêm vốn của Chính phủ trong hai năm tới là rất lớn.
Trước tình hình này, gần đây có đề xuất cho rằng NHNN có thể mua trực tiếp TPCP, như là một chính sách tiền tệ hợp lý trong thời điểm hiện tại, nhằm tạo ra nguồn tài trợ nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Hoặc một lựa chọn khác là NHNN mua TPCP của các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp, sau đó các nhà đầu tư này sẽ sử dụng tiền từ giao dịch với NHNN để tiếp tục mua TPCP trên thị trường sơ cấp. Dù là theo cách nào, rõ ràng dòng tiền này cũng phải đều từ NHNN bơm ra, đồng nghĩa với lượng cung tiền sẽ tăng, điều khiến nhiều người lo ngại sẽ tạo thêm áp lực lên lạm phát.
Hiệu quả đến đâu?
Thật ra chính sách các ngân hàng trung ương (NHTƯ) mua trái phiếu do Chính phủ phát hành là không mới, đây là nghiệp vụ thông thường của nhiều NHTƯ trên thế giới, nhất là tại những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay khu vực châu Âu với các gói nới lỏng định lượng. Đơn cử như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thường mạnh tay in thêm tiền mua tài sản để hỗ trợ thị trường mỗi khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với khủng hoảng, mà không chỉ mua TPCP, cơ quan này còn chấp nhận mua cả trái phiếu doanh nghiệp khiến bảng cân đối kế toán ngày càng phình to tăng gấp cả chục lần.
Sức mạnh tiền đồng ít nhiều còn hạn chế khi mới giữ được giá trị khá ổn định trong những năm gần đây, nên cần thận trọng đối với chính sách này, vì nếu không khéo sẽ khiến niềm tin vào đồng nội tệ suy giảm cộng thêm nỗi lo lạm phát, từ đó có thể gây áp lực lên tỷ giá lẫn lạm phát. |
Nhưng cũng cần lưu ý đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, sức mạnh tiền đồng ít nhiều còn hạn chế khi mới giữ được giá trị khá ổn định trong những năm gần đây, cần phải thận trọng đối với chính sách này, vì nếu không khéo sẽ khiến niềm tin vào đồng nội tệ suy giảm cộng thêm nỗi lo lạm phát, từ đó có thể gây áp lực lên tỷ giá lẫn lạm phát.
Khi đó, lượng tiền bơm ra từ nguồn vốn mà Chính phủ huy động được nhờ bán trái phiếu cho NHNN có thể suy giảm giá trị, và khi đó hiệu quả của các chính sách cũng sẽ bị hạn chế hoặc thậm chí triệt tiêu nếu đồng nội tệ bị mất giá mạnh.
Trong trường hợp NHNN không in thêm tiền mà sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối chuyển sang tiền đồng để mua TPCP, khi đó lượng cung tiền đồng cũng không thể tăng lên, vì nguồn vốn mà Chính phủ bơm ra từ kênh huy động qua trái phiếu cũng chính là lượng tiền đồng mà NHNN hút về thông qua việc bán ngoại tệ ra thị trường.
Đối với phương án NHNN mua lại TPCP của các nhà đầu tư giúp nhóm này có vốn để tiếp tục mua TPCP, thật ra hiện nay NHNN vẫn có nghiệp vụ chiết khấu giấy tờ có giá cho các tổ chức tín dụng, theo đó NHNN có thể mua hẳn hoặc mua có kỳ hạn TPCP của các ngân hàng, tuy nhiên nghiệp vụ này thường chỉ diễn ra đối với các kỳ hạn ngắn.
Nên tận dụng nguồn vốn chưa sử dụng hết
Với nguồn vốn Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được trong thời gian qua vẫn chưa sử dụng hết và đang còn nhàn rỗi khá nhiều, trong khi các hoạt động đầu tư công vẫn khá chậm chạp, liệu có cần thiết phải sớm huy động thêm nguồn lực mới?
Thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 11-2021 ước tính đạt 48.500 tỉ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 367.700 tỉ đồng, mới bằng 73,8% kế hoạch năm và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 32,7% của năm trước).
Trước đó, báo cáo quí 3 cũng cho thấy vốn đầu tư từ NSNN giảm 26,3% và vốn đầu tư từ TPCP giảm mạnh 64,3%. Trong quí 2-2021, thời điểm các yếu tố đều đang thuận lợi, nhưng đầu tư từ TPCP vẫn giảm 59,7%. Còn tính chung ba quí đầu năm, vốn đầu tư từ TPCP cũng giảm đến 56,8%.
Chính việc không thể giải ngân được vốn đầu tư từ TPCP đã khiến lãi suất TPCP ở Việt Nam hiện thấp kỷ lục, khi KBNN cũng không có nhiều động lực huy động bằng mọi giá. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 13-12, tổng giá trị TPCP phát hành chỉ ở mức hơn 325.000 tỉ đồng, trong khi lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 10 năm chỉ xoay quanh 2,1-2,2%/năm; kỳ hạn năm năm chỉ biến động quanh mức 0,8-1,1%.
Theo giới phân tích, đây là lợi thế vô cùng to lớn của Việt Nam khi có thể huy động được vốn giá rẻ cho mục tiêu kích thích kinh tế, nhưng dường như chúng ta đang bỏ qua mất lợi thế này, khi mà phần lớn số tiền nhàn rỗi Nhà nước huy động được đang được KBNN gửi tại hệ thống ngân hàng với lãi suất không mấy hấp dẫn thay vì sớm giải ngân.
Dữ liệu thống kê gần đây cho thấy kể từ tháng 10-2020, số dư tiền gửi của KBNN tại hệ thống ngân hàng luôn trên 600.000 tỉ đồng và gần đây tiếp tục tăng lên gần 700.000 tỉ đồng. Rõ ràng nếu nguồn vốn nhàn rỗi này được giải ngân thì đã đủ đáp ứng số tiền cần thiết để kích thích kinh tế dự kiến thực hiện trong hai năm 2022-2023.
Đáng lưu ý là trong những tháng gần đây vì nguồn vốn nhàn rỗi quá lớn, KBNN cũng đã tiến hành mua lại TPCP trước hạn theo định kỳ, nhằm hỗ trợ phát triển thị trường TPCP khi giúp tăng tính thanh khoản của TPCP trên thị trường thứ cấp, qua đó tác động hỗ trợ trở lại đối với hoạt động phát hành TPCP của KBNN trên thị trường sơ cấp, từ đó giúp tái cấu trúc lại lãi suất phát hành tối ưu hơn.
Tác giả: Tuệ Nhiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy