Dòng sự kiện:
Ngân hàng Quân đội MB: Hiệu suất sinh lời liên tục giảm sút
08/04/2015 07:37:13
ANTT.VN – Ròng rã nhiều năm, ban lãnh đạo Ngân hàng MB liên tiếp đề ra các phương án tăng vốn điều lệ trước mỗi kỳ Đại hội, thế nhưng, tìm hiểu một cách kỹ càng mới thấy, nói như vậy chứ làm được kỳ thực lại chẳng đáng là bao. Không chỉ có vậy, suốt quãng thời gian từ 2010 – 2014, ROE - chỉ số hiệu suất sinh lời quan trọng nhất của ngân hàng này đã liên tục lùi sâu.

Tin liên quan

Kế hoạch tăng vốn: Năm nào cũng “hỏng”

Thông tin từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội – MB (HSX: MBB), ngày 21/04, MBBank sẽ tiến hành tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2015. Theo các tài liệu công bố, một trong những nội dung quan trọng sẽ được HĐQT trình cổ đông thông qua tại Đại hội sắp tới chính là Phương án tăng vốn điều lệ (VĐL) lên 16.000 tỷ đồng từ mức 11.594 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.

Kế hoạch đặt ra cụ thể là vậy, tuy nhiên, nếu chịu khó ngược dòng quá khứ để trở về nhiều năm trước đó, lại thấy rằng mục tiêu trên, ở một giác độ nào đó, có vẻ… khá viển vông.

Kế hoạch tăng VĐL của MB liên tiếp "hụt hơi" qua các năm (Ảnh: Internet)

Theo đó, liên tục từ năm 2011 đến nay (phóng viên chỉ tìm hiểu các tài liệu từ năm 2010 trở lại), Đại hội cổ đông năm nào, ban lãnh đạo MB cũng đề ra mục tiêu tăng vốn thêm vài nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, xét trên thực tế, chưa một năm nào mà MB lại có thể cán đích mục tiêu.

Cụ thể, so sánh với giá trị kế hoạch 10.000 tỷ đồng VĐL mà ngân hàng đã đặt ra cho 2011 thì con số thực hiện 7.300 tỷ đồng mới chỉ đạt có vỏn vẹn 73%.

Bước sang năm 2012, MBBank lại tiếp tục lên phương án “bẩy” thêm 3.000 tỷ, kéo VĐL đạt 13.000 tỷ đồng, song đến thời điểm kết thúc năm, con số 10.000 tỷ vẫn hoàn toàn “dậm chân” không suy xuyển.

Kế đó, 2013, trong khi mục tiêu là 15.000 tỷ đồng thì con số thực hiện lại chỉ đạt 11.256 tỷ đồng, “hụt” đích mất ¼ (3.744 tỷ đồng).

Gần đây nhất, tháng 4/2014, Đại hội đồng Cổ đông MB đã đề ra mục tiêu tăng trưởng 4.243 tỷ đồng vốn điều lệ trong 2 quý cuối năm để cán mức 15.500 tỷ đồng. Thế nhưng, chốt niên 2014, vốn điều lệ của MB đứng ở 11.594 tỷ đồng, tức là mới chỉ đạt 338 tỷ đồng/4.243 tỷ đồng kế hoạch đề ra. Đối chiếu với phương án tăng vốn, “đoạn đường” 338 tỷ đồng này ứng khớp với “Đợt 1: Tăng vốn điều lệ thêm 337,6875 tỷ đồng thông qua việc phát hành 33.768.750 cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2013”, còn “Đợt 2: Tăng vốn điều lệ thêm 3.906,0625 tỷ đồng thông qua việc chào bán 390.606.250 cổ phiếu” thì vẫn được “bồng im” tại chỗ.

Nói thế để thấy, dẫu vẫn được đánh giá là nhà băng năng động nhất khối TMCP thì riêng về vấn đề tăng vốn, suốt nhiều năm ròng rã, MB mới chỉ dừng lại ở “nói” chứ làm thì chẳng đáng là bao.

Trở về phương án tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng trong năm 2015 mà HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội đã đề ra, ngoại trừ quá khứ “thất hứa” kéo dài, xét đến triển vọng thị trường, tình hình có vẻ cũng chẳng mấy ủng hộ cho sự quyết tâm trên.

Có thể kể đến như bối cảnh vẫn còn ảm đạm của nền kinh tế, nỗi nghi ngại của giới đầu tư, sức cạnh tranh gay gắt của thị trường… và đặc biệt không thể không nhắc tới “Thông tư 36” – một nhân tố chính sách đầy “góc cạnh”.

Việc ra đời của Thông tư với hàng loạt những ràng buộc về tỷ lệ an toàn hoạt động như mức cho vay kinh doanh cổ phiếu tối đa, tổng dư nợ cho vay tối đa đối với một khách hàng và nhiều những tỷ lệ giới hạn khác mà trong đó giá trị vốn điều lệ đóng vai trò mẫu số… đã càng thúc đẩy thêm nhu cầu tăng vốn điều lệ vốn đã rất “nóng” trong giới ngân hàng.

Song, ngược lại, với quy định mỗi NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó); đồng thời, tỷ lệ nắm giữ phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết. Vô hình chung, Thông tư 36 – một “động lực” (như đã trình bày ở trên) lại hóa ra “trở lực” làm khó chính nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng khi nó thu hẹp phạm vi các đối tác tiềm năng (các TCTD khác), đồng thời cũng lại làm nguồn cung thêm chật trội (do các TCTD khác cũng phải đẩy mạnh chào bán cổ phần).

Cơ cấu cổ đông của Ngân hàng Quân đội theo Cáo bạch gần nhất

Thêm vào đó, theo Cáo bạch gần nhất của NH TMCP Quân đội, trong 3 cổ đông lớn nhất của ngân hàng này thì đã có tới 2 cái tên cũng là các nhà băng và đều nắm giữ tỷ lệ sở hữu trên 5%. Đó là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) với tỷ lệ sở hữu 9,95% và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tỷ lệ sở hữu 9,59%; cổ đông lớn nhất của MB là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với tỷ lệ sở hữu 15%. Trước khi nghĩ đến việc tăng vốn, thì nhiệm vụ xử lý mớ “mạng nhện” trên ắt cũng đã làm ban lãnh đạo MB cũng như các đối tác và cổ đông chiến lược của mình phải mướt mồ hôi.

Hiệu suất sinh lời ngày càng kém

Kết thúc năm tài chính 2014, MB báo lãi 3.174 tỷ đồng, cao nhất nhóm các NH TMCP. Tổng tài sản MB đạt 200.489 tỷ đồng - tăng 11%, hoàn thành vượt mức so với mục tiêu đặt ra là 200.000 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ đạt 15% so với mục tiêu 13%; huy động đạt 23% so mục tiêu 10%. Tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 2,73% - thấp hơn nhiều so với trần 3,5% được thông qua tại Đại hội cổ đông 2014.

Không chỉ có vậy, MB cũng lọt top các ngân hàng được đánh giá có chỉ số hiệu quả kinh doanh tốt với EPS (lãi cơ bản/ cổ phiếu) đầy tích cực, đạt 2.136 đồng/ cổ phiếu.

Những thông tin trên thực sự là rất khả quan và việc MB “vững vàng tin cậy” thì hẳn ai cũng biết nhưng tiến hành sâu chuỗi lại 2 chỉ số hiệu suất sinh lời quan trọng ROE, ROA qua các năm lại thấy đâu đó một sự suy thoái dài kỳ.

(Tử số của các tỷ lệ đều được ghi nhận theo giá trị Lợi nhuận trước thuế (chứ không phải lợi nhuận sau thuế như thông thường), giống với các tài liệu mà MB công bố)

Cụ thể, ROE - tỷ số quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư, đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường đã liên tục giảm mạnh qua các năm. Từ mức 29,02% trong năm 2010 về chỉ còn 15,8% vào năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc, sau 4 năm, với mỗi 100 đồng vốn đầu tư (mỗi năm), lợi nhuận trước thuế mang về của mỗi cổ đông đã bị “teo” đáng kể 13,22 đồng – một con số đáng phải suy nghĩ.

Tương tự, ROA cũng đã giảm liên tục từ 2010 – 2013 và chỉ tăng không đáng kể vào 2014, chứng tỏ hiệu suất sinh lời qua tài sản đã bị “thâm” nghiêm trọng.

Như vây, kết quả hoạt động của Ngân hàng TMCP Quân đội MB cũng không “sáng” một cách toàn diện như nhiều người vẫn nghĩ.

Đâu là nguyên nhân, tương quan tín dụng đang bộ lộ những điểm bất cập gì, khả năng xử lý nợ xấu ở MB ra sao, kính mời quý độc giả đón đọc kỳ sau…

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến