Dòng sự kiện:
Ngân hàng rao bán khoản nợ của doanh nghiệp từng đệ đơn phá sản
20/03/2023 09:33:24
Công ty Beton 6 có khoản nợ gốc 29,6 tỷ đồng, từng có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương vào năm 2019.

Ngân hàng vừa thông báo đấu giá tài sản đối với toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Beton 6 (UpCom: BT6).

Đây là lần thông báo thứ 8 của ngân hàng sau 7 lần thông báo đấu giá trước đó nhưng không tìm được người mua.

Khoản nợ của Beton 6 tại ngân hàng phát sinh theo các hợp đồng tín dụng đã ký từ năm 2016 và 2018. Khoản vay với lãi suất 8,5%/năm, được đảm bảo bằng quyền đòi nợ đã hình thành hoặc hình thành trong tương lai từ các hợp đồng thi công cung ứng sản phẩm.

Giá trị ghi sổ của khoản nợ tính đến 30/8/2022 là 52,9 tỷ đồng, trong đó, dư nợ gốc là 29,6 tỷ đồng.

Trong lần đấu giá này, mức giá khởi điểm cho khoản nợ này là 14,19 tỷ đồng. Giá khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính phải nộp theo quy định.

Trước đó, tại lần bán đấu giá lần đầu vào ngày 10/10/2022, giá khởi điểm cho khoản nợ này là 29,6 tỷ đồng, bằng đúng với số dư nợ gốc.

Như vậy, sau nhiều lần rao bán không thành, giá đấu khởi điểm cho khoản nợ của Beton 6 đã giảm 52% so với mức giá ban đầu. Ngân hàng đã chấp nhận mất toàn bộ số tiền lãi và nửa số dư nợ gốc nếu may mắn bán nợ thành công.

Ngân hàng lưu ý tiền lãi vẫn tiếp tục phát sinh kể từ ngày 30/8/2022 cho đến khi doanh nghiệp này thanh toán xong nợ gốc tiền vay. Người mua được khoản nợ được sở hữu toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến khoản nợ phát sinh.

Hiện trạng khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm khoản nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy.

Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 22/3/2023 tại Văn phòng Công ty Đấu giá Hợp danh Sao Việt.

Beton 6 hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cấu kiện bê tông đúc sẵn và bê tông tươi, vật liệu xây dựng.

Theo tìm hiểu, CTCP Beton 6 trước đây là Công ty Bê tông 620 Châu Thới, thuộc Bộ Giao thông vận tải, được thành lập vào năm 1958, cổ phần hoá từ năm 2000. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cấu kiện bê tông đúc sẵn và bê tông tươi, vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý, năm 2019, Beton 6 có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương do công ty đã mất khả năng thanh toán những khoản nợ đến hạn cho các chủ nợ.

Đến tháng 1/2020, Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã có quyết định số về việc mở thủ tục phá sản đối với Beton 6.

Sau đó, tháng 11/2022, Toà án Nhân dân tỉnh này đã mở hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ trương quyết định phương án phục hồi công ty, các chủ nợ đề nghị công ty phải có phương án phục hồi chi tiết gửi cho các chủ nợ trước khi tổ chức lại hội nghị chủ nợ để quyết định.

Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022, Beton 6 lỗ 16,96 tỷ đồng. Luỹ kế đến ngày 30/6/2022, công ty lỗ 785 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn ghi nhận hơn 341 tỷ đồng. Trong đó, ngoài khoản nợ tại NCB kể trên, Beton 6 còn có khoản nợ tại Eximbank và Vietcombank, đều với hơn 63 tỷ đồng.

Beton 6 cho biết công ty không có khả năng trả các khoản vay nợ ngắn hạn do đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa có luồng tiền để thanh toán.

Tác giả: Lê Thanh Hồng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến