Dòng sự kiện:
Ngân hàng sắp nhận thêm hàng nghỉn tỷ đồng phí độc quyền bảo hiểm
27/08/2021 15:17:38
Việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và hoa hồng từ hoạt động này được dự báo tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cuối năm.

Đây là nhận định của các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam trong báo cáo phân tích về ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm 2021.

Theo số liệu tổng hợp, trong quý II vừa qua, tổng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng (bao gồm 23 ngân hàng niêm yết) đã đạt trên 36.000 tỷ đồng, giảm 12% so với quý liền trước nhưng vẫn tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, lợi nhuận các ngân hàng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ là do thu nhập lãi thuần cao hơn và thu nhập phí, cùng các khoản thu hồi nợ xấu tích cực hơn.

Trong bối cảnh các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các chuyên gia phân tích tại Yuanta cho rằng thu nhập phí sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận của ngành ngân hàng. Đặc biệt là phí từ hoạt động bancassurance độc quyền (phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng).

Cụ thể, việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance hàng quý được dự báo tiếp tục hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng nửa cuối năm nay.


Các khoản phí trả trước và phí hoa hồng hàng tháng từ hoạt động bán bảo hiểm sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm nay của ngành ngân hàng. Ảnh: Nam Khánh.

Ngoài ra, làn sóng tái đàm phán của các thương vụ bancassurance độc quyền cũng sẽ diễn ra trong giai đoạn nửa cuối năm nay và đầu năm 2022, kỳ vọng giúp các ngân hàng thu thêm hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước. Như trường hợp của HDBank, nhà băng này đang trong quá trình tái đàm phán thỏa thuận bán bảo hiểm với Dai-ichi Life.
 
Trong khi đó, dựa trên giá trị hợp đồng các thương vụ bancassurance độc quyền giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhân thọ gần đây, Chứng khoán Yuanta cho rằng Techcombank và VPBAnk sẽ tái đàm phán với đối tác để ghi nhận khoản phí trả trước cao hơn, có thể tương đương các thỏa thuận gần đây của các ngân hàng.

Cụ thể, VPBank có thể tái đàm phán hợp đồng bán bảo hiểm độc quyền với khoản phí 8.000 tỷ đồng, trong khi phí trả trước tại hợp đồng cũ chỉ là 1.800 tỷ. Tương tự, HDBank có thể đạt được khoản phí trả trước mới vào khoảng 7.000 tỷ…

Các ước tính kể trên dựa vào số lượng khách hàng các ngân hàng đang phục vụ bao gồm cả ngân hàng mẹ và các công ty con tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền. Định giá cũng được dựa trên mức phí trả trước một số ngân hàng nhận được trong các thương vụ tương tự gần đây như Vietcombank nhận phí trả trước 9.000 tỷ từ hợp tác độc quyền với FWD; ACB hợp tác với Sun Life nhận 8.500 tỷ...

Trong nửa cuối năm nay, các chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, nhằm thúc đẩy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,5%. Trong khi đó, tăng trưởng nửa đầu năm chỉ đạt 5,64% và tăng trưởng trong quý III có thể còn thấp hơn nhiều.

Vì vậy, trong những tháng cuối năm Chính phủ có thể mở rộng cả chính sách tiền tề và chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.

Trong khi đó, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng khi các ngân hàng thương mại được yêu cầu giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí huy động vốn, từ đó giúp biên lãi ròng (NIM) từ hoạt động cho vay của ngành ngân hàng chỉ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với nửa cuối năm 2020.

Từ các yếu tố này, tăng trưởng thu nhập phí sẽ là yếu tố khác biệt giữa các ngân hàng trong nửa cuối năm nay.

 Tác giả: Quang Thắng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến