Nhiều ngân hàng chấp nhận dành tới gần 90% lợi nhuận cho trích lập dự phòng để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Hơn một nửa lợi nhuận của ngân hàng bị "bào mòn" bởi chi phí dự phòng rủi ro.
Chủ động trích lập dự phòng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 của Ngân hàng Sacombank, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng năm 2018. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sacombank đạt 2.493 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí dự phòng trong kỳ của ngân hàng lên tới 1.178 tỷ đồng, gấp 5,2 lần cùng kỳ năm 2017 và “ngốn” tới 47% lợi nhuận thuần của ngân hàng, do đó mức tăng trưởng của lợi nhuận trước thuế giảm xuống mức chỉ 28%, đạt 1.315 tỷ đồng.
Dù vậy, điểm sáng của Sacombank là tổng nợ xấu đến hết quý III/2018 chỉ còn 8.067 tỷ đồng, chiếm 3,18% tổng dư nợ cho vay. Trong khi đó, con số đầu năm lần lượt là 10.404 tỷ đồng và 4,67%. Hồi đầu năm, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh đã tuyên bố đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% trong năm 2018.
Tương tự, chi phí dự phòng rủi ro của Ngân hàng VPBank cũng tăng mạnh 69% trong quý III/2018 so với quý III/2017, lên tới 2.748 tỷ đồng. Do đó, dù lợi nhuận thuần trong kỳ tăng 13% song lợi nhuận trước thuế lại giảm 26%, chỉ đạt 1.749 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, VPBank đã dành 8.194 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm tới 57% lợi nhuận thuần 9 tháng của ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn lại 6.124 tỷ đồng, nhưng vẫn đạt tăng trưởng 9% so với 9 tháng năm 2017.
Tại Ngân hàng LienVietPostBank chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III/2018 cũng tăng đến 89% lên 204 tỷ đồng. Mức tăng đột biến này đã kéo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng xuống 348 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2018, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng là 351 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.014 tỷ đồng, thấp hơn mức 1.434 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Cùng với sự tăng trưởng của chi phí dự phòng, nợ xấu của LienVietPostBank tại thời điểm 30/9 cũng tăng lên so với đầu năm, với mức 1.523 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,32%, trong khi đầu năm lần lượt là 1.074 tỷ đồng và 1,07%.
Ngân hàng VietABank cũng đã dành tới 88% lợi nhuận kiếm được cho dự phòng rủi ro (195 tỷ đồng), khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn lại 27 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn 72% lợi nhuận của VietABank (358 tỷ đồng). Do đó, dù lợi nhuận thuần tăng tới 68%, đạt 497 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế còn lại 138 tỷ đồng với mức tăng chỉ 17%.
Trong khi đó, Saigonbank còn chấp nhận sụt giảm lợi nhuận do mức tăng của chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, lợi nhuận thuần trong quý III/2018 của ngân hàng đạt 91 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Song mức trích lập dự phòng rủi ro lên tới 81 tỷ đồng (chiếm 89%), đã khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 9 tháng, chi phí dự phòng rủi ro của Saigonbank tăng hơn 2 lần lên 158 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 122 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức trích lập dự phòng rủi ro của 14 ngân hàng "ngốn" phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng này Bảng: N.Hiền.
Hướng tới tăng trưởng bền vững
Dù có mức trích lập dự phòng tăng mạnh trong quý III, song tính chung 9 tháng năm 2018, tỷ lệ dự phòng trên lợi nhuận thuần của đa phần các ngân hàng đều giảm. Theo thống kê của phóng viên Báo Hải quan, tổng mức trích lập dự phòng của 14 ngân hàng gồm: BIDV, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VPbank, ABC, MBBank, Saigonbank, OCB, TPBank, VIB, VietABank, LienVietpostbank và BacABank trong 9 tháng năm 2018 là 36.032 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41% trên lợi nhuận thuần 9 tháng của các ngân hàng. Trong khi cùng kỳ năm trước, mức trích lập dự phòng của các ngân hàng này chiếm tỷ lệ là 46% (xem bảng thống kê).
Trong đó, có 4 ngân hàng có tỷ lệ dự phòng trên lợi nhuận thuần tăng so với 9 tháng năm 2017. Cụ thể VietABank có tỷ lệ dự phòng trên lợi nhuận thuần lớn nhất, lên tới 72% với 358 tỷ đồng. Tỷ lệ này của VietABank cũng đã tăng mạnh từ mức 60% của cùng kỳ năm trước. Cùng với VietABank, ba ngân hàng khác cũng có tỷ lệ dự phòng trên lợi nhuận thuần tăng là Sacombank, VPBank và Saigonbank. Trong khi đó, Ngân hàng ACB có tỷ lệ dự phòng trên lợi nhuận thuần thấp nhất (12%) với 660 tỷ đồng. Con số này cũng đã giảm đáng kể so với mức 42% trong cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia tài chính, theo quy định của NHNN trong Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, các tổ chức tín dụng phải gọi đúng tên nợ xấu để phân loại nợ theo cơ chế chặt chẽ hơn. Theo đó, ngân hàng phải trích lập dự phòng cho cả nợ nhóm 2. Điều này đã dẫn tới sự tăng trưởng đột biến về con số trích lập dự phòng tại nhiều ngân hàng.
Bên cạnh đó, kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời trao quyền xử lý nợ xấu cho các ngân hàng, các ngân hàng cũng hạn chế bán nợ xấu cho VAMC mà đa phần tự xử lý bằng các hình thức như bán nợ, phát mãi tài sản đảm bảo và tự trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro nhằm có thể sớm mua lại nợ từ VAMC để tự xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.
Ngoài ra, khi xử lý được nợ xấu, ngân hàng sẽ lại được hoàn nhập dự phòng vào lợi nhuận. Do đó, việc trích lập dự phòng rủi ro cũng được coi như một khoản để dành cho tương lai.
Theo báo Hải Quan
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy