Đầu tư công hiện đang có xu hướng giảm dần từ 8% GDP trong năm 2011 xuống còn 6% trong năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đầu tư công hiện có xu hướng giảm dần từ 8% GDP trong năm 2011 xuống còn 6% trong năm 2022. Do đó, Việt Nam cần nâng cao hiệu suất đầu tư công để có được tác động lớn đối với tăng trưởng năng suất tổng thể và GDP đồng thời đảo ngược xu hướng trên.
Đây là nội dung được bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia Quản trị công cao cấp Việt Nam tại Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí tại buổi họp báo công bố Báo cáo Kinh tế tháng Tám của (WB), ngày 10/8.
Sáu đồng đầu tư tạo ra một đồng sản lượng
- Xin bà chia sẻ một số đánh giá của Ngân hàng thế giới về hiệu quả và xu hướng đầu tư công trong những năm gần đây?
Bà Vũ Hoàng Quyên: Trong giai đoạn từ 2011 đến 2019, để ra được thêm một đồng sản lượng tại Việt Nam, trung bình phải bỏ ra hơn sáu đồng cho đầu tư. Chính vì vậy, một USD đầu tư của Việt Nam tạo ra tăng trưởng thấp hơn so với Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan ở thời điểm họ có cùng mức thu nhập theo đầu người và cùng trình độ phát triển.
Hiện nay, chất lượng hạ tầng của Việt Nam đứng thứ 77 trên 141 quốc gia trên toàn thế giới và đứng sau các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaisia và Thái Lan. Đây là các quốc gia Việt Nam đang cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư thực hiện luôn thấp hơn dự toán. Trong giai đoạn từ 2017 đến 2022, tỷ lệ giải ngân trung bình đạt 77% dự toán phân bổ. Như vậy, chênh lệch giữa số dự toán và giải ngân là khá lớn (23%). Thêm vào đó, tình trạng chi đầu tư bị chuyển nguồn cũng ở mức cao và hơn hẳn so với nhiều quốc gia so sánh ở trên đồng thời cách xa so với thông lệ quốc tế tốt là dưới 5%.
Mặt khác, những bất cập trong công tác quản lý đầu tư công cũng được thể hiện qua tình trạng chậm tiến độ và đội vốn ở mức cao. Theo đánh giá gần đây của Ngân hàng Thế giới về một số dự án giao thông quy mô lớn, tình trạng chậm tiến độ bình quân lên đến năm năm với mức đội vốn bình quân lên đến gấp đôi so với dự toán kinh phí ban đầu (ở giai đoạn thiết kế và phân bổ ngân sách).
Ngoài ra, công tác quản lý tài sản công vẫn chưa được đảm bảo. Như, tài sản hạ tầng được hình thành chưa được ghi chép hoặc quản lý đầy đủ sau khi dự án kết thúc, dẫn đến những bất cập trong vận hành, duy tu, bảo dưỡng tài sản công. Nhìn chung, ngân sách theo ước tính chỉ đảm bảo được khoảng 40% nhu cầu tối thiếu về vận hành và bảo trì tài sản hạ tầng.
Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia Quản trị công cao cấp Việt Nam, Ngân hàng Thế Giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hiện Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu tích hợp và cập nhật về tài sản nhằm thu thập thông tin cần thiết, như ngân sách đầu tư, vận hành và bảo trì, địa điểm và giá trị tài sản theo thời gian (cho công trình hạ tầng cả ở cấp trung ương và địa phương).
- Tỷ lệ đầu tư của ngân sách Trung ương so với tổng đầu tư công đã giảm từ 40% vào năm 2017 xuống 20% vào năm 2022. Theo bà, điều này có tác động như thế nào đến công tác giải ngân vốn?
Bà Vũ Hoàng Quyên: Chính sách phân cấp đã dịch chuyển 80% vốn đầu tư công xuống cho các địa phương (giai đoạn 2017-2022), tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với mức bình quân ở các quốc gia có hệ thống ngân sách được quản lý tập trung thống nhất là 34,5% và các quốc gia nói chung là 39,5%.
Thẩm quyền quyết định chi tiêu được phân cấp cho chính quyền địa phương sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực, nhất là trong cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những điểm yếu trong công tác phối hợp giữa địa phương với Trung ương và giữa 63 địa phương với nhau.
Trên thực tế, các địa phương đã và đang đầu tư vào nhiều dự án giá trị thấp, phân tán, hình thành tài sản lãng phí. Điều này có thể gây tác động tiêu cực về môi trường (như xây dựng các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy thấp hoặc cảng biển không dùng hết công suất). Hệ quả, hiệu suất bị suy giảm do các nguyên nhân, như trùng lặp trong phân bổ, khó khăn trong triển khai thực hiện, phát sinh tác động ngoại ứng tiêu cực, huy động sự tham gia và nguồn tài chính của khu vực tư nhân chưa tối ưu.
Việt Nam theo đuổi các cách tiếp cận khác nhau về điều phối chính sách và đầu tư theo vùng, nhưng chưa có phương án đưa lại kết quả mong muốn. Bởi, một số hạn chế về khuôn khổ pháp luật và thiếu cơ chế huy động, phân bổ tài chính hiệu quả.
Hơn nữa, đầu tư và tài sản công tại Việt Nam ngày càng có nguy cơ đối diện với rủi ro khí hậu gia tăng. Bao gồm, nguy cơ đối với cơ sở vật chất do các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, rủi ro chuyển đổi khi quốc gia đã cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Bởi, tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm để Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thải carbon và nâng cao khả năng chống chịu có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD (trong giai đoạn 2022-2040), tương đương 6,8% GDP mỗi năm. Trong khi đó, đầu tư công với vai trò quan trọng làm chất xúc tác cho đầu tư tư nhân, phải chiếm trên một phần ba tổng nhu cầu vốn nêu trên, tương đương 2,4% GDP.
Về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương chưa được chuẩn bị sẵn sàng, do chưa có chính sách, hướng dẫn cũng như quy trình để đánh giá và giảm thiểu những rủi ro về cơ sở vật chất và rủi ro chuyển đổi đối với những tài sản và công trình đầu tư lớn.
Cần cải thiện chất lượng đầu vào của dự án
- Để phát huy sức mạnh của đầu tư công, Việt Nam cần duy mức đầu tư và xử lý những bất cập về thể chế như thế nào, thưa bà?
Bà Vũ Hoàng Quyên: Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cân nhắc những biện pháp trong ngắn hạn và trung hạn.
Để tăng cường các thể chế quản lý đầu tư công, Chính phủ cần cải thiện chất lượng đầu vào của dự án bằng cách bố trí thêm thời gian và ngân sách cho khâu chuẩn bị dự án. Các cấp quản lý cần đưa ra những hướng dẫn về phương pháp luận để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án, định kỳ cập nhật định mức, đơn giá đầu tư và giá đất cho sát hơn với thị trường.
Các địa phương đã và đang đầu tư vào nhiều dự án giá trị thấp, phân tán, hình thành tài sản lãng phí. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Để nâng cao tác động của đầu tư công nhằm cải thiện khả năng thích ứng, chống chịu biến đổi khí hậu, Chính phủ cũng cần quy định về đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ngay từ ban đầu (khi chuẩn bị dự án) và đánh giá các biện pháp thích ứng trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án có rủi ro khí hậu lớn.
Điều quan trọng không kém là cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Giải pháp mang tính thực tiễn là bóc tách giải phóng mặt bằng/tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, nhất là với các dự án lớn.
Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần xây dựng các cơ chế theo hệ thống và số hóa để xác định các dự án có rủi ro cao về chậm trễ, không hoàn thành và hợp lý hóa các quy trình, thủ tục điều chỉnh hoặc chấm dứt dự án. Phạm vi và chiều sâu đánh giá hậu kiểm của dự án cũng cần được tăng cường, ít nhất đối với các dự án lớn và quy mô trung bình.
Quản lý tài sản công cũng cần được tăng cường để tối đa hóa tác động của dự án sau khi hoàn thành. Để hợp lý hóa thể chế quan hệ tài khóa giữa các cấp chính quyền, Chính phủ xem xét cân đối lại cơ cấu ngân sách đầu tư công theo hướng dịch chuyển một phần từ cấp địa phương sang cấp Trung ương.
Trong bối cảnh Luật Ngân sách Nhà nước dự kiến sẽ được sửa đổi, cơ chế phân cấp tài khóa cần được hiện đại hóa, cân bằng hơn giữa nhu cầu của Trung ương và các địa phương đồng thời khuyến khích hành động chuyển đổi xanh, thích ứng biến đổi khí hậu trong quan hệ ngân sách giữa các cấp chính quyền.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là cơ chế chia sẻ và hợp vốn nên được thể chế hóa dựa trên công thức được xác định minh bạch, khoa học, trong đó lồng ghép những cân nhắc về huy động tài chính trong và ngoài nước.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Tác giả: Hạnh Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Dự án Imperia Signature Cổ Loa
- Bcons solary
- ATZ LUXURY báo giá thiết kế chung cư
- Chung cư Akari City Nam Long
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy