Dòng sự kiện:
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẵn sàng hành động để bình ổn thị trường
02/03/2020 15:45:55
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết BoJ sẽ theo sát diễn biến của dịch COVID-19 và cố gắng bình ổn các thị trường và đảm bảo thanh khoản.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Haruhiko Kuroda tại cuộc họp báo ở Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda ngày 2/3 cho biết ngân hàng này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ổn định các thị trường hiện đang quan ngại trước diễn biến mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông Kuroda đưa ra bình luận trên trong một thông báo khẩn chỉ vài ngày sau một động thái tương tự của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.

Thông tin từ ông Kuroda đã nhận được sự đánh giá cao của các thị trường như một tín hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đang hướng tới thực hiện một sự phản ứng chính sách có sự phối hợp để đối phó với dịch COVID-19.

Ông Kuroda cho biết các thị trường tài chính đang trong tình trạng “bấp bênh” do bất ổn gia tăng trước những ảnh hưởng kinh tế của dịch COVID-19.

Theo ông Kuroda, BoJ sẽ theo sát diễn biến của dịch COVID-19 và cố gắng bình ổn các thị trường và đảm bảo thanh khoản thông qua các hoạt động nghiệp vụ thị trường và mua các tài sản như trái phiếu...

Theo các nhà phân tích, thông báo trên cho thấy BoJ sẽ sử dụng tất cả các công cụ hiện có để cung cấp nguồn vốn cho các thị trường trước khi xem xét thực hiện biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung.

Theo kế hoạch, cuộc họp xem xét chính sách lãi suất tiếp theo của BoJ sẽ diễn ra vào hai ngày 18-19/3.

Trước đó, Chủ tịch Fed Powell ngày 28/2 cho biết cơ quan này sẽ hành động thích hợp để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khi phải đối mặt với những rủi ro do dịch COVID-19.

Theo các nhà kinh tế Jan Hatzius và Daan Struyven của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, thông báo của ông Powell là tín hiệu rõ ràng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất tại hay thậm chí là trước cuộc họp trong hai ngày 17-18/3 của cơ quan này cũng như khả năng thực hiện các hành động phối hợp để ứng phó các tác động kinh tế của dịch COVID-19.

Hai nhà kinh tế này cho rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện đang đánh giá mức độ ảnh hưởng có thể xảy ra của một hành động chính sách phối hợp toàn cầu sẽ lớn hơn so với tác động của toàn bộ những hành động đơn lẻ của các ngân hàng trung ương cộng lại.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, chi tiêu vốn của các công ty nước này trong quý 4/2019 đã giảm so với cùng kỳ năm trước đó và là lần đầu tiên giảm sau hơn ba năm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Theo đó, đầu tư của tất cả các ngành phi tài chính như xây dựng nhà máy và mua sắm thêm thiết bị giảm 3,5% xuống 11,63 nghìn tỷ yen (108 tỷ USD), và là lần giảm đầu tiên trong 13 quý.

Chi tiêu vốn của các nhà sản xuất đã giảm 9,0% xuống 4,23 nghìn tỷ yen sau khi tăng 6,4% trong giai đoạn trước, với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông và vận tải góp phần giảm mạnh.

Trong lĩnh vực phi sản xuất, đầu tư giảm 0,1% xuống 7,4 nghìn tỷ yen và là lần giảm đầu tiên trong 13 quý. Các công ty tiện ích và bất động sản, đã chi một khoản tiền lớn cho các nhà máy điện và tòa nhà văn phòng đã dẫn đến sự suy giảm.

Chi tiêu vốn được điều chỉnh theo mùa của tất cả các ngành phi tài chính, bao gồm cả chi tiêu cho phần mềm, đã giảm 4,2% so với quý trước đó.

Lợi nhuận trước thuế tại các công ty trong cuộc khảo sát của Bộ trên cũng giảm 4,6% xuống 18,58 nghìn tỷ yen, giảm quý thứ ba liên tiếp.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến