Dòng sự kiện:
Ngân hàng tuần qua: VIB hết room ngoại, Sacombank đón cổ đông lớn mới
12/03/2022 09:05:13
Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của Sacombank; VietinBank chốt quyền tham dự ĐHCĐ thường niên; NHNN dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của Sacombank là một trong số các tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua
 
VietinBank chốt quyền tham dự ĐHCĐ thường niên
 
Trong tuần qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã ban hành Nghị quyết số 082/NQ-HĐQT-NHCT2.1 về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Theo đó, thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank dự kiến vào thứ Sáu, ngày 29/4/2022. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 là ngày 30/3/2022.

VietinBank cũng cho hay tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến công tác phòng chống dịch, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường lớn Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank hoặc theo hình thức trực tuyến.

Nội dung dự kiến họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank bao gồm việc báo cáo của HĐQT về hoạt động năm 2021 và định hướng năm 2022; tờ trình thông qua Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, thông qua việc lựa chọn công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ năm 2023; công tác nhân sự,... Hiện tài liệu họp đại hội cổ đông chưa được ngân hàng công bố.

NHNN dự kiến thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Theo hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, NHNN đề xuất giữ ổn định số lượng đầu mối theo quy định tại Nghị định số 16/2017/NĐ-CP.

Đồng thời đề xuất sáp nhập Vụ Thi đua-Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ và thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch thuộc NHNN.

Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước dự kiến bao gồm: xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Cùng đó, tham mưu, giúp Thống đốc NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; hướng dẫn đầu tư đối với tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; quản lý và thực hiện đầu tư của các quỹ thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước trên thị trường quốc tế (bao gồm xuất/nhập khẩu vàng); thực hiện các phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và quản lý thị trường vàng của NHNN…

Như vậy, cơ cấu tổ chức của NHNN dự kiến sẽ gồm: Một tổ chức tương đương tổng cục là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, 12 Vụ, 4 Cục, Văn phòng, Sở Giao dịch, các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 6 đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Số cổ phiếu VIB mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu thêm chỉ còn lẻ 39 đơn vị
 
Thêm một cổ phiếu ngân hàng hết room ngoại
 
Trong phiên ngày 7/3, dòng tiền của khối ngoại tích cực chảy vào một số mã cổ phiếu ngân hàng như VIB, STB, VPB,… Trong đó, khối ngoại đã mua ròng 120.800 cổ phiếu VIB. Số cổ phiếu VIB mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu thêm chỉ còn lẻ 39 đơn vị.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tại VIB được “chốt” ở mức 20,5%, được ngân hàng này cố định trước khi chính thức giao dịch ở hệ thống UPCoM năm 2017 và duy trì đến nay.

Trong 1 tháng trở lại đây, room ngoại tại VIB liên tục ở mức 20,49%, tiệm cận với mức tối đa.

Trước đó, theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tính đến ngày 16/2, 2 mã cổ phiếu ngân hàng trên HoSE đã vượt room ngoại là VPB và MBB. Trong đó VPBank mới đây đã có văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng từ 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

2 mã cổ phiếu ngân hàng đã hết room ngoại là ACB và MSB. 5 mã sắp hết room ngoại tính đến ngày 26/2 là EIB, LPB, OCB, TCB và TPB.

Theo báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người có liên quan đến người nội bộ tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB), ngày 4/3 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thủy đã bán ra 1,81 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,15% vốn của ngân hàng.

Khi ấy, LPB đóng cửa phiên giao dịch ở mức 22.350 đồng/cổ phiếu và tạm tính theo thời giá này, ông Thủy có thể đã thu về trên 40 tỷ đồng. Được biết, ông Thủy là em trai ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Phó chủ tịch hội đồng quản trị LPB, người đang sở hữu 32,24 triệu cổ phiếu ngân hàng, tương đương 2,68% tổng số cổ phần.

Mặc dù muốn bán sạch toàn bộ cổ phiếu LPB nắm giữ, song vì cơ chế giao dịch 1 lần tối thiểu là 100 cổ phiếu, nên ông Thủy vẫn còn dư 80 cổ phiếu tại ngân hàng này. Ngoài ông Thụy, ông Thủy còn người anh trai khác là ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Xuân Thiện Group - một doanh nghiệp đa ngành với hệ sinh thái từ vật liệu xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao, khách sạn, du lịch, bất động sản, logistics, giáo dục, cho đến năng lượng tái tạo.

Dragon Capital trở thành cổ đông lớn của Sacombank

Dragon Capital đã mua vào 1,25 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) thông qua quỹ thành viên Vietnam Enterprise Investments Limited, nâng tổng số lượng nắm giữ từ hơn 93,9 triệu đơn vị lên hơn 95,2 triệu đơn vị.

Tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng lên hơn 5%. Dragon Capial chính thức trở thành cổ đông lớn của Sacombank kể từ ngày 10/3.

Trong các quỹ thành viên của Dragon Capital, Norges Bank là đơn vị nắm giữ nhiều cổ phiếu STB nhất, với số lượng gần 18 triệu đơn vị. Tiếp đó là Amersham Industries Limited và Vietnam Enterprise Investments Limited, với số lượng lần lượt là 15,9 triệu và 15,7 triệu đơn vị.

Không chỉ Sacombank, Dragon Capital mới đây cũng đã trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) sau khi 4 quỹ thành viên mua tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% lên 5%, số lượng cổ phiếu MBB nắm giữ tăng lên gần 189,3 triệu đơn vị.

Tác giả: Hải Đường

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến