Tin liên quan
Trong tổng lượng nợ xấu đã xử lý thực chất 328 nghìn tỷ đồng tính từ cuối 2012 đến tháng 8/2016, chiếm lớn nhất là 141.886 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn lực dự phòng rủi ro.
Đó sẽ không chỉ là yêu cầu, mục tiêu nữa, mà ở hành động. Vì thực tế đã có trong năm 2016. Vì hệ thống phải tiếp tục xác định không có nguồn lực nào từ ngân sách chi ra để hỗ trợ thúc đẩy, các ngân hàng phải tự lực xử lý.
Nhưng, không chi ngân sách hỗ trợ không có nghĩa là hệ thống ngân hàng đơn độc.
Sẽ đẩy nhanh tự xử
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có yêu cầu tới các ngân hàng thương mại, trong điều kiện có lợi nhuận cần tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cao hơn quy định tối thiểu hiện hành.
Cơn hơn, tập trung ở phần nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo quy định, ngân hàng phải trích lập 20% mỗi năm trong vòng 5 năm cho số nợ đã bán; cá biệt một số trường hợp khó khăn do đang tái cơ cấu có thể được giãn ra 10 năm. Nay, với yêu cầu trên, thành viên nào có điều kiện có thể tăng trích lập lên 30%, thậm chí cao hơn, rút ngắn lộ trình.
Thực tế, như trường hợp Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đi cùng với việc mua lại toàn bộ nợ xấu của mình đã bán cho VAMC, phần trích lập dự phòng cũng đã lo xong, sớm trước yêu cầu 3 năm. Tỷ lệ trích lập dự phòng trên tổng nợ xấu của Vietcombank đã lên tới 121%, dĩ nhiên trong đó có 0,75% phần trích lập dự phòng chung theo quy định.
Theo quy định, mức trích lập 20% mỗi năm cho nợ đã bán sang VAMC là mức tối thiểu, ngân hàng nào trích được cao hơn càng tốt cho bản thân và hệ thống. Càng nhiều thành viên tăng tỷ lệ trích lập này, tổng lượng trích lập dự phòng và nguồn chủ động tự xử lý nợ xấu càng lớn, việc xử lý nợ xấu càng có điều kiện để đẩy nhanh.
Ngoài ra Vietcombank, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh hướng đi này trong năm 2017. Và theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nhiều thành viên khác có điều kiện cũng được yêu cầu thực hiện.
Đó là hướng đi quyết liệt, nhất là khi trích lập dự phòng cho nợ xấu đã bán sang VAMC không được khấu trừ giá trị tài sản đảm bảo. Điều này tác động lớn đến lợi nhuận.
Chưa hết, mối quan hệ yêu cầu tăng trích lập dự phòng với lợi nhuận còn liên quan đến yếu tố thứ ba - ngân sách Nhà nước, tạo nên “bộ ba bất khả thi” có thể đặt ra trong 2017.
Các ngân hàng rất khó cùng lúc gia tăng hơn bình thường, hoặc đẩy nhanh trích lập dự phòng rủi ro, lại vừa đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận cao, vừa tăng hoặc không gây ảnh hưởng bất lợi lớn tới nguồn nộp ngân sách Nhà nước (thuế, cổ tức tại các ngân hàng có sở hữu Nhà nước).
Nói cách khác, ở đây, hệ thống ngân hàng muốn tự lực dồn sức để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, dù chủ động hy sinh lợi nhuận, thì vẫn còn phải nhìn sang Bộ Tài chính - cơ quan cân đong, tra soát các nguồn thu ngân sách.
Trong “bộ ba bất khả thi” này, sự ủng hộ của Bộ Tài chính có thể xem là hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, dù không trực tiếp chi tiền. Theo đó, hệ thống ngân hàng vẫn không đơn độc trong xử lý nợ xấu, mà nếu điểm nghẽn này được khơi thông nhanh sẽ mang lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế.
Mức độ của thực chất
Có một dữ liệu cho thấy ảnh hưởng sâu sắc trong mối quan hệ của “bộ ba bất khả thi” đó.
Năm 2011, khi nợ xấu bắt đầu được nêu lên ở mức độ hai con số, dữ liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, chi phí trích lập dự phòng rủi ro trên lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng chỉ ở khoảng 39%.
Tỷ lệ trên thấp, lợi nhuận ít bị ảnh hưởng thì càng ở mức cao, nộp thuế càng cao, thu ngân sách thêm lợi. Nhưng ngay sau đó nợ xấu bùng lên nóng bỏng, tấm đệm dự phòng của hệ thống mỏng và an toàn hệ thống lung lay.
Nhưng đến tháng 8/2015, tỷ lệ trích lập nói trên đã tăng vọt lên tới 60%. Và dĩ nhiên dẫn đến vênh lệch nhất định lợi ích trong cân đối của “bộ ba bất khả thi” đó.
Năm 2016, cũng theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ước tính số dự phòng rủi ro của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng mạnh, khoảng 11,9% so với mức tăng 5,4% năm 2015.
Nguồn lực dự phòng rủi ro gia tăng, lượng nợ xấu được xử lý thực chất và tự lực của hệ thống cũng được ghi nhận đáng kể.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó phần bán cho VAMC là 220 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,14%; các tổ chức tín dụng tự xử lý 328 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,8%.
Trong tổng lượng nợ xấu đã xử lý thực chất 328 nghìn tỷ đồng đó, chiếm lớn nhất là 141.886 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn lực dự phòng rủi ro.
Nay, trước thực tế và định hướng đẩy nhanh hơn nữa nguồn lực trích lập dự phòng, kết quả xử lý nợ xấu từ 2017 có thể sẽ gia tăng thêm phần thực chất, dù dư nợ tại VAMC đang là thử thách lớn.
Nên đọc
Theo Vneconomy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy