ANTT.VN – Ngày 5/1, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức Đại hội Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát VN nhiệp kỳ V giai đoạn 2016 – 2020.
Tin liên quan
Báo cáo tại Đại hội, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong 5 năm từ 2011 – 2015 ngành bia – rượu – nước giải khát VN trong điều kiện khó khăn vẫn tiếp tục phát triển, tuy có giảm so với thời kỳ 2005 -2010 nhưng năm 2015 ước tính sản lượng bia đạt 3,4 tỷ lít, tăng 40,72% so với năm 2010 (2,416 tỷ lít). Sản lượng rượu sản xuất công nghiệp đạt 70 triệu lít và nước giải khát đạt 4,8 tỷ lít.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tichn Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát báo cáo trước Đại hội
Ngành bia – rượu – nước giải khát VN đóng góp vào ngân sách 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động…
Trong đó, tính riêng ngành bia, cả nước có khoảng 129 cơ sở sản xuất bia tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như: Tp.HCM chiếm 34,69%, Hà Nội chiếm 12,46%, Thừa Thiên Huế chiếm 6,8%... quy mô công suất nhiều doanh nghiệp từ 50 – 100 triệu lít/năm. Thời gian gần đây có một số cơ sở sản xuất quy mô lớn từ 200 – 400 triệu lít/năm như Nhà máy bia Củ Chi (Sabeco), Nhà máy bia Mê Linh (Habeco), Nhà máy bia Việt Nam (Heineken).
Sự phát triển của ngành bia đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng thu ngân sách đến năm 2015 ước nộp ngân sách ngành bia đạt trên 26.000 tỷ đồng.
Tiếp đó là ngành nước giải khát, trong 5 năm qua cũng là ngành có sự phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng là 8,38%. Đến thời điểm hiện nay có khoảng gần 1833 cơ sở sản xuất nước giải khát với các quy mô, năng lực khác nhau, công suất đạt khoảng 5 tỷ lít/năm với 3 chủng loại sản phẩm chính là nước có ga, không ga, nước uống tinh khiết, nước ngọt và nước hoa quả các loại, đến năm 2015 ước đạt 4.800 triệu lít. Về sản xuất cũng như thị trường xu hướng tiêu thụ nước tinh khiết và nước ngọt, nước hoa quả các loại có tốc độ tăng trưởng cao, tiêu thụ ngày càng nhiều chiếm tỷ trọng 85% trong khi đó nước khoáng chỉ có 15%.
Với ngành rượu cả nước có khoảng 162 cơ sở sản xuất rượu công nghiệp ở khắp các tỉnh, thành nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, thương hiệu mang tính thị trường cả nước còn ít như rượu Hà Nội, Rượu Bình Tây, rượu Vodka men, vang Thăng Long, Đà Lạt…
Chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát nhấn mạnh, ngành rượu là ngành kinh doanh có điều kiện được quản lý theo nghị định 94, việc sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ đều phải được cấp phép, việc quản lý rượu người dân tự nấu, rượu lậu, rượu giả tuy có nhiều giải pháp nhưng lượng sản xuất chưa giảm , do vậy đã ảnh hưởng tới lượng sản xuất kinh doanh của rượu công nghiệp nên sản lượng rượu công nghiệp tăng thấp, ước đến năm 2015 đạt khoảng 75 triệu lít. Sản lượng rượu công nghiệp vẫn chỉ là rượu trắng, rượu mạnh, dòng sản phẩm rượu nhẹ, rượu vang còn ít. Rượu người dân tự nấu và tiêu thụ trên thị trường còn rất lớn ước đạt trên 200 triệu lít/năm gấp 3 lần rượu sản xuất công nghiệp. Rượu nhập khẩu cũng tăng dần qua các năm nhưng chủ yếu là những dòng rượu có thương hiệu quốc tế…
Trong vòng 5 năm tới Hiệp hội và ngành Bia – rượu – nước giải khát VN phấn đấu đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp hiện đại, phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, đến năm 2020 đưa sản lượng bia từ 4 – 4,25 tỷ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 – 9,2 tỷ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 – 360 triệu lít, trong đó rượu sản xuất công nghiệp từ 100 – 150 triệu lít chiếm 50% sản lượng rượu toàn quốc.
Bên cạnh đó tích cực tham gia với các cơ quan Bộ, ngành về xây dựng chính sách pháp luật như phòng chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn, nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia…Xây dựng văn hóa uống, đã uống rượu bia thì không lái xe, rượu bia với an toàn giao thông…
Thiên Di
Nên đọc