Dòng sự kiện:
Ngành du lịch nỗ lực hồi sinh sau 'cơn bĩ cực' COVID-19
06/11/2021 07:30:00
Sau khi cả nước chuyển trạng thái bình thường mới, các địa phương sẽ khôi phục lại toàn bộ hoạt động du lịch. Ngành này kỳ vọng sẽ được hồi sinh sau 'cơn bĩ cực' của đại dịch COVID-19.

Ảnh hưởng của COVID-19 tới du lịch giai đoạn vừa qua được đánh giá là nặng nề hơn so với 2020. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, 9 tháng đầu năm nay, lượng khách nội địa giảm 16% so với cùng kỳ 2020 và giảm 52% so 2019. Tổng doanh thu từ du lịch 9 tháng đầu năm 2021 đạt gần 137.000 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2020.

Có thời điểm, gần như toàn bộ ngành du lịch ngừng hoạt động, hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc…

Tại Chương trình Khôi phục du lịch nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục du lịch Việt Nam, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm "du lịch an toàn", Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình mới đây đã nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới khủng hoảng và đòi hỏi cả thế giới phải thay đổi, ngành du lịch cũng không ngoại lệ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận: Sau một thời gian dài bị đình trệ, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới.

Dù dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát nhưng hiện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc ngành du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi một cách thấu đáo, phù hợp.

Việc khởi động lại thị trường du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh buộc các địa phương phải chủ động lên phương án phù hợp và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch với điều kiện tiên quyết là đảm an toàn, hiệu quả.

Từ cuối tháng 9 vừa qua, hàng loạt tỉnh, thành đã cho phép các cơ sở lưu trú, khu vui chơi hoạt động trở lại.

Trong nỗ lực hồi sinh ngành du lịch, Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thông qua một số nội dung như kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch, giảm thuế thuê đất, giảm giá nước, kéo dài thời gian giảm phí tham quan di tích.

Một điểm du lịch tại Thừa Thiên - Huế

Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch: "Sau nhiều nỗ lực, hiện địa phương đã có khoảng 4.000 lao động ngành du lịch được ưu tiên tiêm vaccine. Đây là sự chủ động để du lịch Huế sớm trở lại, giúp người lao động và doanh nghiệp tự tin, sẵn sàng phục vụ du khách ghé thăm Huế, đảm bảo an toàn".

Tương tự, Quảng Bình cũng đề xuất các phương án hỗ trợ cho người lao động trong lĩnh vực du lịch và các ngành phụ trợ, người dân tại các vùng ưu tiên phát triển du lịch.

Những du khách đầu tiên tới Quảng Bình sau trạng thái bình thường mới

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, địa phương đã sẵn sàng đón khách du lịch đến tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng. Việc đón đoàn khách này là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trở lại và dần phục hồi của ngành Du lịch địa phương.

Quá trình đón tiếp du khách đến với Quảng Bình được tuân thủ theo các điều kiện, quy định của Bộ Y tế và quy định của Chính phủ. Hành khách phải tiêm 2 mũi vaccine, thực hiện test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi đến nơi tiếp tục được test nhanh phòng tránh COVID-19. Du khách cũng nâng cao ý thức bảo vệ an toàn trước dịch bệnh nên rất thoải mái, vui vẻ hợp tác cũng như tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu, quy định trong phòng, chống dịch đảm bảo an toàn".

Chia sẻ ý kiến về những chính sách, giải pháp của tỉnh Quảng Bình, ông Trần Xuân Cương, Đại diện công ty Netin Travel cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân tỉnh và đang đợi phương án mở cửa của các đơn vị điểm đến như Phong Nha, Thiên Đường, Suối Moọc cũng như yêu cầu của họ khi đến các điểm tham quan. Đơn vị đang lên phương án đón khách với nhóm dưới 20 người khép kín từ nơi xuất phát đến các điểm tham quan. Thông qua đối tác và cộng tác viên trên cả nước để mở tour về Quảng Bình.

Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị đưa vào khai thác du lịch trong thời gian tới. Chúng tôi lên kết chọn một số nhà hàng, khách sạn Quảng Bình để chuẩn bị cho tour khép kín, cũng theo quy định phòng dịch của tỉnh".

Khách du lịch tới địa phương phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch

Nhằm hướng tới mục tiêu khôi phục ngành du lịch tỉnh nhà trong bối cảnh mới, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đang tập trung thực hiện các chính sách của Chính phủ và của tỉnh nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đồng thời chỉ đạo các phòng văn hóa cấp huyện phối hợp với BCĐ phòng, chống dịch các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, doanh nghiệp gặp khó, người lao động mất việc làm, hoặc thu nhập giảm sút. 

Ngay sau khi tỉnh nhà ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19, ngành cũng đã tiến hành thúc đẩy khôi phục du lịch nội địa, xây dựng các điểm đến an toàn, sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách trên tinh thần chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Khu du lịch Chùa Hương Tích vắng khách tham quan

Ghi nhận của PV tại Khu du lịch chùa Hương, huyện Can Lộc vào chiều 4/11, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trong khu du lịch đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện... để đón tiếp khách thăm quan. Tuy nhiên, lượng khách đến dâng hương, vãn cảnh chùa rất ít.

Ông Ngô Nhật Linh, Phó Trưởng Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương chia sẻ, sau khi lĩnh vực du lịch được hoạt động trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trong khu du lịch đã chuẩn bị các điều kiện phục vụ du khách đến tham quan đảm bảo an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại, đến nay lượng khách đến thăm quan không nhiều, bình quân 10 ngày qua chỉ có khoảng trên dưới 100 du khách đến dâng hương, vãn cảnh..

Tại Nghệ An, trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách du lịch tại Nghệ An chỉ đạt hơn 3,5 triệu lượt, khách lưu trú hơn 2,6 triệu lượt, bằng 57% cùng kỳ năm 2019.

Hiện, địa phương đã mở lại hoạt động du lịch đón khách nội tỉnh tới tham quan các di tích, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh này sau thời gian dài nhiều nơi phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Du khách tham gia các tour du lịch đều phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, mũi thứ 2 quá 14 ngày theo quy định. Ngoài ra, phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Thanh Hóa sẵn sàng khởi động hoạt động du lịch

Tại tỉnh Thanh Hóa, từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4, du lịch địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng. Đến nay, khi dịch bệnh đang dần kiểm soát, ngành du lịch đã sẵn sàng tái khởi động.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Mặc dù hoạt động du lịch vẫn đang đối diện với những khó khăn rất lớn, song vẫn có nhiều cơ sở để tin tưởng ngành du lịch sẽ sớm phục hồi khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã liên tục điều chỉnh phương án, kịch bản phòng, chống dịch và đề ra các giải pháp phù hợp ở từng thời điểm, để duy trì sự phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng trong tình hình mới.

Đồng thời, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực du lịch như: giảm giá tiền điện cho các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch; giảm phí, lệ phí đối với các thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch và nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất vay ngân hàng".

"Những nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch cộng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, của tỉnh là động lực rất quan trọng cho sự phục hồi trở lại hoạt động du lịch Thanh Hóa khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Yến kỳ vọng.

Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI thông qua vào tháng 6/2005 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006 cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, phát triển du lịch ở địa phương.

Trong 10 năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi tác động đến việc thực hiện Luật Du lịch. Bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nhiều cam kết quốc tế.

Ở trong nước, tác động từ những thay đổi trong quan hệ xã hội khi đất nước phát triển và hội nhập; đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành đã dẫn đến việc thực hiện Luật Du lịch 2005 gặp nhiều khó khăn, không phù hợp với điều kiện thực tế và cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

 Nhóm PV 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến