Dòng sự kiện:
Ngành dược phẩm Ấn Độ sẽ đạt quy mô 130 tỷ USD đến năm 2030
25/07/2021 13:01:34
Ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ đã làm việc liên tục trong giai đoạn đầy thử thách trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, để đảm bảo sự sẵn có của các loại thuốc cứu người.

Ảnh minh họa. (Nguồn: moneycontrol.com)

Chủ tịch Công ty dược phẩm Dr Reddy's Laboratories của Ấn Độ, K Satish Reddy ngày 24/7 dự báo ngành công nghiệp dược phẩm của nước này ước tính sẽ tăng gần gấp ba lần lên khoảng 130 tỷ USD vào năm 2030.

Phát biểu tại một sự kiện của Viện nghiên cứu và giáo dục dược phẩm quốc gia (NIPER) - Hyderabad, ông Reddy nêu rõ: "Như các bạn thấy, hiện tại quy mô ngành dược phẩm vào khoảng 42 tỷ USD, trong đó một nửa là doanh thu trong nước, một nửa là xuất khẩu. Chúng tôi kỳ vọng ngành này sẽ tăng trưởng gần gấp ba lần trong thập kỷ này, đạt từ khoảng 120-130 tỷ USD vào năm 2030. Thực sự, chúng tôi tin rằng chúng tôi đã sẵn sàng cho một sự tăng trưởng vượt bậc trong thập kỷ tới."

Ông Reddy, Chủ tịch Hội đồng giám đốc NIPER, đồng thời nhấn mạnh sự khuyến khích của chính phủ (chính sách Ấn Độ tự cường), với nhiều cải cách nhằm khuyến khích ngành công nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cùng với những biện pháp khác, đều là những tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng của ngành dược phẩm Ấn Độ.

Ông Reddy khẳng định ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ đã làm việc liên tục trong giai đoạn đầy thử thách trong làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, để đảm bảo sự sẵn có của các loại thuốc cứu người.

Trong thời gian này, các công ty liên quan đến việc sản xuất những loại thuốc COVID-19 quan trọng đã phản ứng mau lẹ trong việc tăng cường sản xuất.

Lưu ý rằng tương lai của ngành công nghiệp dược phẩm Ấn Độ phụ thuộc vào khả năng phát triển năng lực mạnh mẽ hơn trong đổi mới sáng tạo và nghiên cứu và phát triển, ông Reddy cho biết những khả năng như vậy vốn đã tồn tại và cần được tăng cường hơn nữa.

Tác giả: Huy Lê

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến