Tại họp báo Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương BIFA Wood Vietnam 2023 ngày 22/6, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) Đỗ Xuân Lập cho biết ngành gỗ đang trải qua "một cuộc suy thoái rất lớn và sâu đậm, lớn nhất từ trước đến nay".
Bà Nguyễn Thị Việt Hoa, Giám đốc điều hành Công ty CP Tân Vĩnh Cửu cũng nhấn mạnh đơn hàng đang giảm sút trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Còn với Công ty TNHH Minh Thành, Giám đốc Nguyễn Phương chia sẻ đã có đơn hàng trở lại nhưng không còn số lượng lớn như trước.
Doanh nghiệp "đói" đơn hàng
Chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết khó khăn chung của toàn ngành đến từ các biến động kinh tế và chính trị trên thế giới.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4,7 tỷ USD.
Ngành gỗ đang trải qua cuộc "suy thoái lớn nhất từ trước đến nay". Ảnh: Minh Hoàng.
Khó khăn của ngành gỗ có thể được nhận diện rõ qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thời gian qua. Trong đó, sụt giảm nặng nề nhất là CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) với doanh thu và lãi ròng quý I lần lượt giảm 38% và 83% so với cùng kỳ. Dù kinh doanh có lãi, tính đến cuối quý I, TTF vẫn còn lỗ lũy kế gần 3.073 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Gỗ An Cường (ACG) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 20,5% xuống còn gần 680 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng chỉ còn 36 tỷ đồng, giảm tới 70%.
Tình hình kinh doanh không mấy khả quan của các doanh nghiệp sản xuất kéo theo khó khăn cho các nhà cung cấp máy móc, nguyên vật liệu. Tại Công ty Đại Phúc Vinh của ông Nguyễn Anh Tuấn, lượng đơn hàng máy móc hiện tại chỉ bằng khoảng 20% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
"Chúng tôi đang tồn kho rất nhiều máy móc thiết bị, lượng người mua rất ít, khi có khách mua thì đa số phải bán với giá vốn vì cạnh tranh ngày càng khốc liệt, bán được máy cho có doanh thu chứ cũng không có lợi nhuận. Chỉ mong tình hình cải thiện, nếu kéo dài có lẽ rất nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa", ông Tuấn giãi bày.
Cần nhiều giải pháp hơn
Theo ông Đỗ Xuân Lập, trong bối cảnh này, các hiệp hội trong ngành đã phối hợp thành lập Công ty Vifores Fair chuyên hỗ trợ kết nối giao thương, xúc tiến thị trường.
Năm nay, đơn vị này tổ chức hai hội chợ, trong đó HAWA Expo hồi tháng 3 tập trung vào mở rộng thị trường xuất khẩu, còn BIFA Wood tháng 8 tới đây chủ yếu trưng bày các sản phẩm máy móc công nghệ và nguyên liệu.
Ông nhấn mạnh càng trong khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp càng phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi lẽ, giá cả trên thị trường đang xuống đáy, trong khi thời gian giao hàng cũng được yêu cầu nhanh hơn. Riêng ở Việt Nam, chi phí nhân công còn ở mức cao và các nhà máy tiêu hao nhiều nhiên liệu.
"Do đó, trong hội chợ BIFA Wood 2023 lần này, chúng tôi tập trung vào các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ nhằm giảm giá thành, đặc biệt trong chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm", ông Lập chia sẻ.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores, chia sẻ tại họp báo BIFA Wood Vietnam 2023 ngày 22/6. Ảnh: BTC.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Phương cho hay thời gian yêu cầu xuất hàng đang bị rút ngắn lại từ khoảng 75-90 ngày trước đây giờ còn 45-60 ngày. Vì vậy, các doanh nghiệp như Minh Thành buộc phải thay đổi theo hướng tinh gọn, bằng cách đầu tư thêm máy móc thiết bị đa năng hơn, có thể sản xuất các chi tiết sản phẩm nhỏ với số lượng ít để đáp ứng nhu cầu đặt hàng hiện tại.
Mặt khác, theo ông Đỗ Xuân Lập, năng lực cạnh tranh cũng đến từ chất lượng sản phẩm. Ông cho rằng những giải pháp máy móc và công nghệ cũng có thể góp phần nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu gỗ và các sản phẩm nội thất của Việt Nam.
Hiện tại, năng suất lao động trong ngành gỗ Việt Nam chỉ ở mức 25.000-35.000 USD doanh số mỗi năm, trong khi Malaysia và Thái Lan lên đến 45.000-55.000 USD/năm.
Từ ví dụ của Italy - quốc gia hàng đầu về nội thất cao cấp - ông nhấn mạnh giá trị sản phẩm chủ yếu đến từ công nghệ chứ không phải lấy tiêu chí gỗ nhóm một. Thực tế, một nguyên liệu có giá chỉ hơn 3 triệu đồng/m3, nhưng khi qua chế biến có thể được bán với giá hơn 3.000 USD/m3.
BIFA Wood Vietnam 2023 được tổ chức từ ngày 9 đến 12/8 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương, quy tụ hơn 700 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tác giả: Lan Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy