Ngành mía đường đứng trước thách thức lớn
14/10/2014 14:41:49
ANTT.VN - Hằng năm đến giữa tháng 9, mùa nước lên, vùng trồng mía ở huyện Phụng Hiệp vào vụ thu hoạch mía sớm nhất trong vùng để chạy lũ. Năm nay, dù mía đã đến kì thu hoạch, các nhà máy còn chưa thu mua để đi vào hoạt động.
Hơn 15 năm qua, từ khi 10 nhà máy đường ở ĐBSCL hình thành đi vào hoạt động đến nay, hầu như năm nào vào đầu vụ thu hoạch mía ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cũng xảy ra tình trạng tranh nhau mua mía nguyên liệu. Nhưng đến năm nay, đường xuống giá, khó bán, hàng tồn kho nhiều, cánh đồng mía trở nên ảm đạm hẳn.

Hằng năm đến giữa tháng 9, mùa nước lên, vùng trồng mía ở huyện Phụng Hiệp vào vụ thu hoạch mía sớm nhất trong vùng để chạy lũ. Lúc đó các NM đường đồng loạt hoạt động trở lại, ghe chở mía xuôi ngược dập dìu trên dòng kênh Ngã Bảy.

Năm nay nước lớn trễ, dù ruộng mía chưa bị ngập nhưng đã đến kỳ phải thu hoạch. Tuy nhiên, trong tháng 9/2014 vừa qua chỉ có 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh (Hậu Giang) của Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) “nổ máy” vào vụ sớm.

Tiếp theo đến đầu tháng 10/2014, các nhà máy đường Bến Tre, Trà Vinh, Tây Nam (Cà Mau) hoạt động trở lại và từ giữa tháng 10 trở lên tất cả nhà máy đường còn lại trong vùng mới đồng loạt vào vụ.

Nếu không được thu hoạch sớm, ruộng mía sẽ ngập úng khi vào mùa nước lên

Theo khảo sát của các Cty mía đường, vùng mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã có sự chuyển biến mạnh trong việc nâng cao chất lượng. Đa số nông dân thay đổi giống mía mới nên năng suất và lượng đường đều đạt cao hơn mấy năm trước.

Song cuộc chiến đường nội- đường ngoại cạnh tranh về giá cả, tình hình sản xuất mía đường hiện tại không hiệu quả, vào vụ đã không thấy đồng lời đâu. Rõ ràng, đường nội đang bị ép không còn đường lùi.

Tình hình sản xuất đường cả nước trong niên vụ 2013-2014 vừa qua đạt trên 1,7 triệu tấn, nhưng tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn. Đó là chưa tính tới lượng đường nhập lậu qua biên giới từ Campuchia và Lào. Trong khi đó hiện thời giá đường thế giới chỉ ở mức 420 USD/tấn. Đường dồi dào nên giá rẻ. Hơn nữa, theo lộ trình hội nhập AFTA đến năm 2015 thuế suất ngành đường trong khối ASEAN sẽ không còn, đường bán vào nước ta không thể xem là đường nhập lậu. Cung vượt quá cầu, chưa kể đến giá thành sản xuất mía đường trong nước còn cao do giá nguyên vật liệu đầu vào, công nghệ kĩ thuật còn nhiều hạn chế, điều này khiến cho các nàh máy không dám mạnh tay đi vào sản xuất khi đến vụ.

Nhà máy khó khăn, mía ngoài ruộng dù đến vụ thu hoạch vẫn đứng nguyên ngoài ruộng, mặc công người nông dân chăm sóc, ký vọng vào vụ mùa “đạt năng suất cao” so với các năm trước.

Hoa Liên
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến