Dòng sự kiện:
Ngành ngân hàng: Những bước nhỏ cho hành trình dài
01/03/2022 14:43:38
Các ngân hàng nước ngoài được linh hoạt thực hiện chỉ tiêu kinh doanh, nhưng phải kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối năm 2022.

Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay của Ngân hàng Nhà nước là 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế

Kiến nghị sát sườn

Ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 1606/TCT-DNL yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các khoản phí dịch vụ thu từ hoạt động thư tín dụng (L/C) phát sinh từ ngày 1/1/2011 - thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành, vì L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, việc xử lý thuế GTGT theo Công văn 1606/TCT-DNL đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các ngân hàng, do từ năm 2011 đến nay, việc nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ L/C được thực hiện theo Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 của Bộ Tài chính, theo đó, một số khoản thu về L/C (phát hành, xác nhận…) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Sau đó, Nhóm Công tác ngân hàng (BWG) đã thay mặt các ngân hàng thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đệ trình thư kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Tổng cục Thuế thu hồi Công văn 1606/TCT-DNL, bởi việc áp thuế GTGT 10% đối với L/C là không phù hợp với cách xử lý thuế GTGT mà các quốc gia khác đang áp dụng.

Tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua, ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn VBF nhấn mạnh lại: “BWG đề nghị không truy thu hồi tố thuế GTGT đối với phí L/C trong giai đoạn 10 năm để tháo gỡ các khó khăn. Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) khi cần thiết”.

Liên quan đến các vấn đề về thuế GTGT đối với L/C, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản gửi Bộ Tài chính, đề xuất phương án xử lý việc nộp thuế đối với L/C theo hướng:

Thứ nhất, từ năm 2011 cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về vấn đề này, việc khai thuế và nộp thuế đối với L/C tiếp tục được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST và quy định pháp luật liên quan. Theo đó, không thực hiện thu thuế GTGT đối với L/C.

Thứ hai, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng thống nhất cách hiểu L/C vừa là dịch vụ cấp tín dụng, vừa là dịch vụ thanh toán, để từ đó có những quy định phù hợp về thuế.

Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, trong năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức và diễn biến thị trường; ưu tiên chỉ tiêu đối với tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.

Ngân hàng Nhà nước đã có các công văn gửi Bộ Tài chính, đề xuất phương án xử lý việc nộp thuế giá trị gia tăng đối với thư tín dụng, vốn đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Trên cơ sở bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng của hệ thống năm nay khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Riêng với nhóm ngân hàng nước ngoài, tương tự các năm trước, trong năm 2022, các ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước cho phép linh hoạt thực hiện chỉ tiêu trong cả năm và chỉ kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao tại thời điểm cuối năm. Chính sách này tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tốt, có khả năng linh hoạt mở rộng tín dụng trong năm, đáp ứng tối đa nhu cầu rút vốn linh hoạt của khách hàng (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI), nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, phù hợp với quy mô, đặc thù hoạt động và đặc thù nhóm khách hàng của ngân hàng nước ngoài.

Riêng đối với ngân hàng nước ngoài có quy mô tín dụng nhỏ được phép tăng trưởng theo kế hoạch kinh doanh đề xuất với Ngân hàng Nhà nước.

Tài chính xanh: Đắp nền tảng, vững tương lai

BWG cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tài chính xanh, kết hợp với việc hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh Covid-19. Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung chính sách tài chính để phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, thu hút vốn đầu tư cho phát triển xanh; Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản, quy định về tín dụng xanh theo hướng cụ thể và tăng cường các yếu tố tạo động lực cho ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi cung cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, cho phép phát triển các giải pháp tài trợ thương mại bền vững mới của ngân hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng các phương thức hoạt động bền vững hơn trong toàn bộ hệ sinh thái.

Đồng thời, xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, khuyến khích khách hàng cải thiện tính minh bạch trong công bố thông tin, báo cáo và cách sử dụng các nguồn tài nguyên, đáp ứng các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ben Hung, Tổng giám đốc khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, để xây dựng một tương lai bền vững và hành trình tiến tới mức phát thải các-bon bằng 0 đòi hỏi sự nỗ lực và hành động của toàn xã hội.

“Chúng tôi tin rằng, việc Chính phủ chú trọng vào phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững sẽ giúp tăng cường niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, thúc đẩy họ đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam trong dài hạn”, ông Ben Hung nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng các sản phẩm về ngân hàng xanh, tín dụng xanh đang được các ngân hàng triển khai một cách đa dạng, từ hoạt động nội bộ ngân hàng đến hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, xây dựng quy chế làm việc tại ngân hàng theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của tổ chức tín dụng và ban hành các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng xanh, thân thiện môi trường; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến; cắt giảm việc sử dụng giấy tờ mà vẫn đảm bảo thực hiện quy trình một cách an toàn; triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng để tài trợ cho các dự án xanh; hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế (như WB, JICA...) để triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước đã tham gia vào Mạng lưới ngân hàng bền vững toàn cầu (SBN) từ năm 2012, đồng thời đã triển khai nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các lĩnh vực xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, triển khai các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, kiểm soát việc cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực tác động xấu đến môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tác giả: Hồng Dung

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến