Dòng sự kiện:
Ngành Thuế lý giải nguyên nhân khiến nguồn thu ngân sách của Quảng Bình giảm mạnh
01/10/2023 11:11:04
Thị trường bất động sản đóng băng khiến nguồn thu chính từ tiền sử dụng đất sụt giảm mạnh. Quảng Bình dự ước thu NSNN đến tháng 9 trên địa bàn tỉnh đạt 3.437 tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán ngân sách Trung ương giao.

Theo thông tin từ Cục thuế tỉnh Quảng Bình, tính đến tháng 9/2023, dự ước thu ngân sách nhà nước ̣̣̣(NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt 3.437 tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán ngân sách Trung ương giao, bằng 52,9% dự toán tỉnh giao, bằng 53,5% so với cùng kỳ.̣̣̣̣̣ Dự toán thu nội địa do ngành Thuế quản lý năm 2023 Bộ Tài chính giao là 5.887 tỷ đồng, trừ đất là 3.387 tỷ đồng; HĐND, UBND tỉnh giao dự toán là 6.500 tỷ đồng, trừ đất là 3.500 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chỉ đạt 53,5% so với cùng kỳ. Nhiều khoản thu đạt thấp như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thu trước bạ...

Trong đó, thu tiền sử dụng đất là chỉ tiêu được giao cao nhất, nhưng dự ước hết tháng 9/2023 chỉ mới thu được hơn 1.390 tỷ đồng (đạt 46,3% dự toán tỉnh giao và đạt 32% so với cùng kỳ). Đối với thu từ doanh nghiệp có vốn ĐTNN, dự toán năm 2023 giao 370 tỷ đồng, nhưng dự ước đến hết tháng 9/2023 chỉ mới thu được 49,2 tỷ đồng (đạt 13,3% dự toán tỉnh giao và bằng 42,4% so với cùng kỳ) .

 

Nhiều khu quy hoạch, dự án đất ở được đưa ra đấu giá nhưng thiếu vắng người mua.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu NSNN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhiều khoản thu đạt thấp, Ông Võ Văn Sơn, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, nguyên nhân  là do  những năm gần đây, nguồn thu tăng chủ yếu là từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản nhưng hiện nay thị trường bất động sản “đóng băng”, hoạt động đấu giá đất, giao đất, giải phóng mặt bằng tiếp tục bị ngưng trệ dẫn đến nguồn thu từ đất không đạt tiến độ đề ra.

Mặt khác, do ảnh hưởng chung từ nền kinh tế thế giới và trong nước khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD), các dự án lớn trên địa bàn chưa đi vào hoạt động.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Quảng Bình, việc triển khai thực hiện các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế cho NNT như: Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng thuê đất trả tiền hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… và một số chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế của Chính phủ cũng ảnh hưởng đến công tác thu NS.

Mặc dù,  ngay từ đầu năm, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ và giải quyết kịp thời các chính sách miễn giảm, giãn thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Cùng với đó, rà soát, chống thất thu thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính thuế...nhưng vẫn không thể đạt được kế hoạch đã đề ra.

Theo ông Võ Văn Sơn, những tháng cuối năm, ngành Thuế phải tiếp tục tăng tốc thì mới có thể đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, các biện pháp cụ thể được đưa ra như: rà soát tất cả các nguồn thu, đặc biệt là các khoản thu gia hạn, đến hạn nộp; tiếp tục đôn đốc thu hồi nợ, thu kịp thời những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, như: Kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử, dịch vụ du lịch…; phối hợp với các ngành tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo nguồn thu cho NSNN; tăng cường công tác thanh tra, chống thất thu NSNN. 

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến