Dòng sự kiện:
Ngành thủy sản Việt tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
21/07/2018 05:30:30
Trái với những lo ngại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được đánh giá sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở cả 2 thị trường này đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Cá tra lên ngôi

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế 25% đối với hơn 600 mặt hàng xuất xứ từ Mỹ, trong đó có 170 sản phẩm thủy sản. Theo Seafoodnews, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến giao dịch thương mại thủy sản toàn cầu giảm sút và một lượng lớn hàng hóa sẽ bị tồn đọng tại thị trường nội địa. Đáng chú ý, thủy sản là hàng hóa có tỷ lệ giao dịch toàn cầu cao nhất và cũng rất dễ bị hư hỏng.

Do tác động của chiến tranh thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Lâu nay, Mỹ và Trung Quốc được xem là 2 thị trường trọng tâm của ngành thủy sản Việt Nam. Bởi vậy, khi ngành thủy sản của các quốc gia này bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, việc các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào là vấn đề rất được quan tâm

Phân tích ở góc độ thị trường, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ ít chịu ảnh hưởng, bởi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thủy sản chủ yếu tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao như tôm hùm, tu hài, mực ống..., trong khi đa số sản phẩm thủy sản từ Việt Nam có giá trị thấp, nên nằm ngoài sự tác động.

Theo ông Lĩnh, cá tra là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất, bởi Việt Nam và Trung Quốc là 2 nguồn cung duy nhất xuất khẩu cá tra vào Mỹ, trong đó Việt Nam chiếm tới 90% thị phần.

Hiện tại, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đang dẫn đầu danh sách doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ nhiều nhất. Vĩnh Hoàn kỳ vọng, nếu Mỹ áp thuế cho mặt hàng cá tra hay các sản phẩm thay thế như cá rô phi từ Trung Quốc, thì các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị phần tại thị trường lớn nhất nhì thế giới này.

"Cơ hội trở nên sáng hơn với Vĩnh Hoàn nhờ lợi thế về thuế khi xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ (áp thuế suất 0%). Chúng tôi hiện đang tập trung đẩy mạnh sản xuất các loại mặt hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến chất lượng cao để xuất khẩu vào Mỹ. Mặt hàng này kỳ vọng sẽ mang lại 10% doanh thu cho Công ty", đại diện Vĩnh Hoàn cho hay.

Không chỉ ở thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam cũng rộng đường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Từ ngày 1/7/2018, Trung Quốc đã áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy sản từ các quốc gia ưu tiên thuộc WTO, trong đó có Việt Nam.

Theo chính sách mới, thuế các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang từ 10 - 12% được giảm xuống còn 7%. Cụ thể, thuế nhập khẩu cá tra fillet giảm từ 10% xuống 7%, thuế nhập khẩu cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Thuế giảm sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia IDI (IDI) đã gia tăng sản lượng xuất khẩu vào Trung Quốc trong thời gian qua. Ước tính 6 tháng đầu năm 2018, IDI đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, trong đó 45% đến từ thị trường Trung Quốc; lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng và tiếp tục có nhiều triển vọng gia tăng trong 6 tháng cuối năm.

Áp lực mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FES) cho rằng, đối với ngành thủy sản Việt Nam, vấn đề doanh nghiệp lo ngại nhất không phải là tác động của chiến tranh thương mại, mà nằm ở chính sách bảo hộ thị trường của Mỹ, bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí ở nhiều góc độ, điều này còn đem lại những cơ hội tích cực.

Hai năm trở lại đây, Mỹ và Trung Quốc nằm trong top 4 thị trường nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam nhiều nhất. Việc Mỹ tăng cường chính sách bảo hộ thị trường, áp thuế chống bán phá giá lên nhiều sản phẩm, bao gồm cả thủy sản, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển hướng sang những thị trường ít rào cản hơn, mà Trung Quốc là một ví dụ.

Với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không những được hưởng lợi từ chính sách, mà còn có cơ hội gia tăng biên lợi nhuận khi không tốn quá nhiều chi phí để làm sản phẩm chất lượng, số lượng hàng xuất khẩu lớn..., trong khi vẫn xuất khẩu đi EU, Mỹ để duy trì thương hiệu sản phẩm.

Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2018. Hết nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu mới đạt 4 tỷ USD, nên áp lực về đích đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng cuối năm. Dù vậy, cơ hội thành công là cao nếu các doanh nghiệp tận dụng triệt để những lợi thế đang có để chiếm lĩnh thị trường, trong đó tôm và cá tra là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Theo Tin nhanh Chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến