Ngành y và những thành quả nơi tuyến đầu chống dịch
Thời điểm này năm trước, đường phố vắng lặng tuân thủ nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “ai ở đâu, ở yên đó” chỉ có những chuyến xe cấp cứu bệnh nhân Covid-19 vẫn di chuyển trên đường, những phòng bệnh lúc nào cũng sáng đèn và sự hối hả, căng thẳng luôn bào trùm bầu không khí làm việc trong các bệnh viện.
Các nhân viên y tế căng mình chống dịch.
“Chưa bao giờ, sự sống và cái chết của mỗi người dân lại có ranh giới mong manh đến vậy. Sự phong tỏa chặt chẽ trên diện rộng đã làm đóng băng mọi thứ. Dịch bệnh tấn công mạnh mẽ nhưng chúng lại vô hình. Cả xã hội phải đối mặt với những thách thức khôn cùng. Thời điểm đó so với bây giờ là một trời một vực. Chúng ta vẫn phải duy trì đeo khẩu trang nhưng cuộc sống gần như trở lại bình thường, thể hiện rõ ở sự phục hồi đời sống kinh tế - xã hội. Dự đoán cho thấy kinh tễ Việt Nam tăng trưởng rất cao”, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.
Một năm trước, cuộc chiến “khốc liệt” theo đúng nghĩa khi dịch Covid-19 hoành hành tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Một sự ra quân tổng lực của ngành y tế, các y bác sĩ trên khắp cả nước đã chi viện cho miền Nam để chống dịch. Có thể nói, một cuộc chiến mà các y bác sĩ là những chiến sĩ tuyến đầu đã cho thấy họ vô cùng kiên cường.
Thời điểm này năm ngoái, có rất nhiều mục tiêu đặt ra trong cuộc chiến chống dịch. Mà để hoàn thành được những công việc này đòi hỏi phải thực hiện một cách “thần tốc”. Sự “thần tốc” không thể không nói tới, đó là chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ trước đến nay. Ông Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá cao về sự chủ động triển khai chiến lược tiêm chủng của ngành y tế trên cả nước trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
“Đây quả thực là một chiến dịch chưa từng có về mặt tốc độ, hiệu quả. Đây là một định hướng chiến lược đúng đắn của chính phủ. Đề ra chính sách là rất quan trọng nhưng việc triển khai thực hiện cũng quan trọng không kém. Nói như vậy để thấy rằng công lao của ngành y tế rất lớn khi thực hiện thành công và hiệu quả các chính sách đó. Từ một quốc gia có tốc độ tiêm chậm nhất thế giới chỉ trong một thời gian rất ngắn đã vươn lên vào top các quốc gia đứng đầu về tiêm chủng. Chính vì tốc độ tiêm chủng đó đã tạo ra sự chuyển biến mang tính chất bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Thiếu thầy, thiếu thuốc là những vấn đề khó khăn đối với hệ thống y tế công lập.
Ngành y và sự khủng hoảng không mong muốn
Tuy nhiên, một năm qua, ngành y cũng đã trải qua khá nhiều sóng gió, rất nhiều cán bộ ngành y, dược đã bị khởi tố bắt giam, rồi những vụ việc liên quan đến việc thổi giá kit test Covid-19, việc thiếu trang thiết bị thuốc men y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh liên quan đến tâm lý e ngại các vấn đề mang tính pháp lý… Những vụ việc trên khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.
“Tôi chia sẻ sâu sắc về những khó khăn của ngành y tế và thực sự ngành y đang phải đối mặt với sự khủng hoảng. Thứ nhất là khủng hoảng về nhân lực, chảy máu nhân lực công của ngành y tế là rất lớn. Thêm nữa, cuộc khủng hoảng về thuốc men, vật tư y tế, điều này do rất nhiều nguyên nhân, nhưng điều này thực sự khiến ngành y khó khăn. Công tác khám chữa bệnh mà máy móc, thiết bị, thuốc men không có đủ thì sao mà hiệu quả được. Khủng hoảng thứ ba là sự mất đi hình ảnh ban đầu do những vi phạm của một số cá nhân. Khủng hoảng tiếp theo là về mặt an toàn, an toàn về mặt pháp lý và an toàn đối với các bác sĩ trong khi thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh”- ông Dũng bày tỏ.
Bản thân các cán bộ, nhân viên y tế sau vài năm chống dịch vô cùng vất vả đã cảm thấy bải hoải và mệt mỏi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chính sách đãi ngộ, phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn chưa thỏa đáng. Với đồng lương còn thấp, sự đãi ngộ vẫn còn hạn chế, có thể nói đây là nguyên nhân chính khiến gần 9400 viên chức y tế xin thôi việc. Giám đốc Sở Y tế của một thành phố lớn đã phải than, “ngày nào trên bàn làm việc cũng có đơn xin thôi việc cần xem xét”.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nếu không có những thay đổi về chính sách đối với nguồn nhân lực, nhân sự thì hệ thống y tế công lập sẽ khó có thể tồn tại và phát triển trước sự chảy máu chất xám nghiêm trọng này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
“Đây không chỉ là vấn đề của ngành y tế. Hiện Đảng và Nhà nước đã định hướng phát triển lĩnh vực tư. Với đường lối chủ trương như vậy thì lĩnh vực tư phát triển rất mạnh. Và như vậy chúng ta đang có sự cạnh tranh giữa lĩnh vực tư và lĩnh vực công trong việc phát triển nhân lực. Trong cuộc cạnh tranh này, lĩnh vực tư đang có ưu thế rất lớn. Lĩnh vực tư không chỉ trả lương cao mà còn trả lương rất chính xác và đây là điều thu hút người tài ra bên ngoài vì họ được trả lương xứng đáng”, ông Dũng nhấn mạnh.
Lĩnh vực công có những lợi thế mà chúng ta phải củng cố, tuy nhiên, muốn ngăn cản tình trạng chảy máu nguồn nhân lực có chất lượng thì lương trong lĩnh vực công phải được cải cách, lương phải đủ sống một cách đàng hoàng. Còn nếu không thì không thể thu hút được nhân lực.
Phải tìm cách khơi dậy ưu thế của lĩnh vực công. Lĩnh vực công cung cấp dịch vụ trên cơ sở cống hiến và như vậy thì các y bác sĩ có được sự trân trọng của xã hội, sự tôn vinh trân trọng của xã hội là rất cần thiết, bây giờ mà lại không có cả điều này thì động lực phục vụ trong lĩnh vực công sẽ còn giảm nữa.
Ngành y và các vấn đề cần được ưu tiên giải quyết
Quá nhiều vấn đề rồi cũng phải xác lập ưu tiên để xử lý chung cho cả hệ thống và trong đó có ngành y đó là cải cách tiền lương, tránh chảy máu nhân lực công. Cải cách đảm bảo không có xung đột trong việc thực thi công vụ đối với ngành y tế, để người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế. Đã là các bệnh viện công thì nhà nước phải đầu tư. Bởi vì để đảm bảo công bằng thì chỉ nhà nước mới có thể làm được.
Cần củng cố, duy trì hình ảnh tốt đẹp của ngành y
Thị trường không đảm bảo được công bằng. Chính vì vậy, khi nhà nước đầu tư chắc chắn phải xác lập được ưu tiên, đầu tư cho thật chính xác. Khi có sự hợp tác công – tư cần có thỏa thuận dựa trên căn cứ rõ ràng. Khi đã có căn cứ rõ ràng thì không nên áp dụng trách nhiệm hình sự trong tình huống này, đó là đảm bảo an toàn về mặt pháp lý. Và thêm nữa đó là công tác truyền thông cần được đẩy mạnh để giúp y tế lấy lại hình ảnh trong mắt công chúng. Chúng ta cần góp ý trên tinh thần xây dựng để ngành y có thể hoàn thiện mình.
Với những vấn đề của ngành y tế hiện nay, cộng đồng xã hội cũng có những phản ứng khá gay gắt, gây xáo trộn tâm lý đối với những người công tác trong ngành y. Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, người dân, cộng đồng xã hội cần có sự chia sẻ với ngành y lúc này, để ngành y tế vượt qua sóng gió, tiếp tục phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Người dân cũng cần có cái nhìn cảm thông và chia sẻ hơn bởi vì nếu các bạn nằm viện mới thấy các y bác sĩ họ khổ như thế nào. Tất nhiên, về phía các nhân viên y tế cũng cần điều chỉnh lại cách ứng xử đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân để thực sự tạo được thiện cảm. Không phải vì mình quá mệt mà có thái độ chưa đúng mực với bệnh nhân” ông Dũng chia sẻ.
Y tế luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Ngành y tế có mạnh thì sức khỏe người dân mới được chăm sóc tốt. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn mong ngành y tế sẽ nhìn lại mình, tận dụng mọi cơ hội để thay đổi và phát triển, thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cả về tinh thần và thể chất cho mỗi người dân./.
Tác giả: Phương Trang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy