Hiện nay dư luận đặc biệt quan tâm vụ án Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả theo kết luận của nhiều bộ ngành đến nay vẫn chưa bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố điều tra. Điều này khiến rất nhiều cơ quan ban ngành và đại biểu Quốc hội bức xúc. Đây là vụ án cũng gây ra nhiều tranh luận trong các giới vì không hiểu sao dù có sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết.
Theo ông Trần Hùng, Phó CVP Ban chỉ đạo Quốc gia 389 về chống hàng lậu, hàng giả, vụ án Công ty Thuận Phong ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý thị trường phân bón và hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Hàng chục triệu người nông dân đang trông chờ vào kết quả chỉ đạo dứt điểm của Chính phủ trong vụ việc này. Ông Hùng cũng bày tỏ sự tin tưởng và quyết tâm của Chính phủ trong vụ án này.
Rất nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến cần sớm xử lý dứt điểm vụ việc này. Ngoài việc thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trưởng ban chỉ đạo Quốc gia 389, các đơn vị liên quan trong vụ án này cũng cần phải có tiếng nói rõ rằng.
Trước đó, ngày 24/4/2015, Đoàn công tác liên ngành của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai phát hiện quả tang hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận Phong, tại địa chỉ Khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa (khu vực K888), tỉnh Đồng Nai.
Kiểm tra thực tế tại kho Nhà máy của công ty, đoàn phát hiện thêm khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai các loại giả xuất xứ từ Mỹ và nhiều tem giả, nhãn mác giả khác…
Kiểm tra thực tế hàng hóa tại kho Nhà máy của Công ty Thuận Phong, Đoàn kiểm tra phát hiện khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai các loại, (3.224 chai - tương đương 4.045 kg) giả xuất xứ “MADE IN USA”; và hàng trăm kg nhãn mác, tem giả xuất xứ khác.
Quá trình tìm hiểu, từ tháng 1/2014 đến nay, Công ty Thuận Phong đã sản xuất và bán ra thị trường tổng số trên 40.000 chai các loại tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước giả mạo.
Tại các cuộc họp dưới góc độ quản lý nhà nước được phân công, Bộ Công thương, KH&CN, Quốc Phòng, Tư Pháp… đều có ý kiến Công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả là phân bón cả hình thức lẫn chất lượng với số lượng lớn tiêu thụ trên nhiều tỉnh thành.
Ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam bày tỏ quan điểm, dù đang có những ý kiến khác nhau giữa một số bộ ngành, tuy nhiên Ban Chỉ đạo 389, các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã vào cuộc điều tra, xác minh, giám định chất lượng và đi đến kết luận công ty Thuận Phong vi phạm 4 điểm sau: Thứ nhất, sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón. Thứ hai sản xuất, kinh doanh phân bón giả về công dụng. Thứ ba, sản xuất, kinh doanh giả về chất lượng. Thứ tư, sản xuất, kinh doanh giả mạo bao bì hàng hóa, nơi sản xuất đóng gói hàng hóa, bảo hộ của tổ chức, cơ quan Nhà nước.
“4 vi phạm của Công ty Thuận Phong đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và gây thiệt hại rất lớn đối với nông dân. Do vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, Ban Chỉ đạo 389 đã bàn giao vụ việc vi phạm cho cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ. Tuy nhiên, kể từ khi bàn giao tới nay, những sai phạm của Công ty Thuận Phong vẫn chưa được xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả” , ông Lại Xuân Môn cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký hiệp hội phân bón Việt Nam cũng cho rằng để vụ việc phân bón giả Thuận Phong được kéo dài đến bây giờ cho thấy đã có dấu hiệu của lợi ích nhóm. Tính đến thời điểm hiện tại là hơn 2 năm sự việc bị phát giác nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự giải quyết dứt điểm dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận nói chung và ngành phân bón Việt Nam nói riêng.
“Lợi ích nhóm có sức phá hoại kinh khủng mạnh hơn cả bom nổ chậm. Nguy hiểm hơn vì bom nổ chậm có cài giờ, cài tháng, cài năm nhưng lợi ích nhóm khi nào phát hiện thì mới ra được còn nó cứ ngấm ngầm phá hoại hết Nghị định này Nghị định kia và cả các chỉ đạo từ trên xuống. Trong vụ việc Thuận Phong, tôi khẳng định có lợi ích nhóm thì mới kéo dài được như thế này, vì vụ này 7 Bộ đã kết luận rồi, Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng cũng kết luận rồi nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Tôi đề nghị phải đưa vụ này quyết liệt thì mới làm gương cho các ngành khác, đặc biệt là ngành phân bón. Nếu cho vụ việc này "chìm xuồng" hay phạt hành chính thì tôi nghĩ ngành phân bón nên giải tán vì sẽ chẳng còn ai sợ nữa. Quan điểm của tôi là phải làm quyết liệt và kết luận bằng được, thậm chí phát hiện tổ chức lợi ích nhóm đã phá hoại việc này như thế nào”, ông Thúy nói.
Hiệp hội phân bón cũng nhấn mạnh, vụ việc phân bón giả Thuận Phong đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất phân bón chân chính, bởi vì phân bón tốt bán đúng tiêu chí thì không được dân chuộng mà phân bón giả bán rẻ thì nhân dân mua. Nếu vụ việc này mà xử nhẹ hay cho qua thì sẽ làm tan nát ngành phân bón Việt Nam.
Xuân Tùng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy